Các xu hướng thời trang có thể rất hấp dẫn nhưng ví tiền của bạn không nghĩ vậy. Làm thế nào để vừa có thể sắm quần áo 'trendy' theo mùa nhưng vẫn đảm bảo tài chính?
Theo chuyên gia tài chính Bola Sokunbi, founder nền tảng tài chính cá nhân Clever Girl Finance, trước hết, bạn cần có những trang phục cơ bản có thể mặc bất kỳ thời điểm nào và không cần thay thế sau mỗi mùa vì "lỗi mốt".
Sau đó, bạn hãy áp dụng 5 nguyên tắc sau đây để có thể đổi mới tủ quần áo theo mỗi mùa mà không "cháy túi".
Với số đông, đổi mùa không có nghĩa là phải đổi tủ đồ mới.
Tuy nhiên, với những người có đam mê thời trang thì việc muốn đầu tư vào những trang phục hợp xu hướng là điều bình thường.
Do đó, bạn nên lập một tài khoản ngân hàng chỉ dành riêng cho việc mua sắm.
Đây là tài khoản mà hàng tháng bạn có thể gửi một ít tiền riêng vào mà không làm ảnh hưởng các mục tiêu tài chính khác của bạn.
Sau đó, khi thời điểm giao mùa đến và bạn muốn mua sắm, bạn đã có sẵn tiền tiết kiệm và không cần phải lo lắng làm thế nào để mua được món đồ mình thích nữa.
Trước khi mua sắm, bạn nên xem lại tủ quần áo của mình để quyết định những món đồ thiết yếu nào mà bạn đang thực sự cần, từ quần áo, giày dép, phụ kiện, trang sức.
Ví dụ, với mùa xuân và mùa hè, bạn có thể cần mua sandal. Còn với mùa thu và mùa đông, tủ quần áo của bạn có thể đang thiếu một chiếc áo cao cổ.
Đó sẽ là món đồ đầu tiên mà bạn cần ưu tiên mua sắm.
Dù bạn cần có các món đồ thiết yếu, song điều đó không có nghĩa là phong cách của bạn chỉ nên dừng lại ở những thứ cơ bản.
Kể cả khi bạn đang phải cố gắng cân bằng tài chính, bạn vẫn có thể mua những món theo xu hướng (trend).
Tuy nhiên bạn cần xác định mình hứng thú với trend nào, sau đó nhìn vào những chỗ trống trong tủ đồ, những trang phục bạn có, để biết liệu bạn có thể mua một vài món đồ để bắt kịp xu hướng mà không phải mua mới cả một tủ đồ.
Trước khi bạn định đi mua sắm hoặc lên sàn thương mại điện tử yêu thích, hãy xác định một số tiền tối đa mà bạn sẵn sàng chi tiêu.
Con số đó sẽ quyết định bạn chuẩn bị chi bao nhiêu cho những món đồ thiết yếu và những trang phục mốt.
Bạn có thể sẽ nhận ra rằng bạn không mua được hết mọi món đồ thiết yếu, hoặc bạn đang sẵn sàng mua một món đắt tiền hơn nhưng chất lượng cao hơn.
Mặc dù mức ngân sách phụ thuộc vào phong cách và thu nhập của mỗi người, nhưng Sokunbi khuyên mọi người nên làm theo phương pháp 70/30.
Điều này có nghĩa là dành 70% ngân sách cho các món cơ bản cốt yếu và 30% ngân sách cho trang phục mốt.
Bạn có thể ký gửi những món đồ cũ trong tủ quần áo để bán lại cho người khác.
Đây là một chiến lược phù hợp để xây dựng ngân sách để mua trang phục mới cho mỗi mùa.
Bạn có thể bán những món đồ bạn đã mặc quá lâu, những thứ bạn không còn thích, không còn vừa, hoặc thứ bạn mua khi bốc đồng và không bao giờ dùng đến.
Bạn cũng có thể trao đổi trang phục với bạn bè và người thân.
Hãy nhớ rằng, thứ bỏ đi của người này đôi khi lại là kho báu với người khác.
(Theo refinery29)