Khi giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn hoạt động mạnh và dẫn đến mắc bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, những đối tượng dễ mắc bệnh khi giao mùa gồm:
Trẻ nhỏ: Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ thường chưa hoàn thiện nên sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Và khi chẳng may mắc bệnh, trẻ thường dễ bị diễn biến nặng hơn người lớn.
Người cao tuổi: Người già thường có sẵn các bệnh lý nền như bệnh đường hô hấp, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận… làm hệ miễn dịch suy yếu. Vậy nên, vào thời điểm giao mùa, người cao tuổi thường dễ bị mắc bệnh và bênh thường nặng hơn người trẻ rất nhiều. Hơn nữa, thời tiết thay đổi dễ làm khởi phát bệnh lý có sẵn ở người cao tuổi.
Phụ nữ mang thai: Bà bầu cũng là đối tượng dễ mắc bệnh trong thời điểm giao mùa và khi mắc bệnh, bà bầu thường ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi làm cho bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi. Hơn nữa, khi mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ rất dễ dấn đến dị tật thai nhi, do đó, phụ nữa mang thai cần lưu ý phòng bệnh trong thời điểm giao mùa.
Lương y Nguyễn Thanh Thúy cho biết, thời điểm giao mùa chuyển lạnh, yếu tố phong, hàn (gió, lạnh) nhiều nên nếu không chú ý phòng ngừa sẽ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp và xương khớp. Một số bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển lạnh gồm:
Cảm cúm: Là bệnh thường gặp khi thời tiết giao mùa với các triệu chứng như chảy nước mũi, hắt xì, ớn lạnh, ho, đau họng, chóng mặt, nhức đầu... Cách phòng, chống cúm là cần ăn uống đủ chất, uống nhiều nước, nhất là nước ấm, giữ gìn vệ sinh cá nhân và tập thể dục hằng ngày.
Viêm xoang, viêm mũi dị ứng theo mùa: Thời tiết thay đổi làm những người có cơ địa dị ứng hay bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang, gây ra các triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi liên tục làm người bệnh mệt mỏi, khó chịu. Để phòng, tránh bệnh, những người có cơ địa dị ứng cần tránh xa các dị nguyên, giữ ấm cơ thể khi ra gió lạnh, luôn giữ không gian sống, làm việc được sạch sẽ, thoáng mát. Người bệnh tuyệt đối tránh gió thổi trực tiếp vào mặt, tránh khói bụi, nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh tắm khuya, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ…
Viêm đường hô hấp: Các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi... thường xuất hiện khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh, nhất là với trẻ em và người cao tuổi. Trong mùa dịch COVID-19, khi bị ho, đau họng, sốt, người dân không nên tự ý mua uống thuốc, nên đến các cơ sở y tế thăm khám để được điều trị đúng. Để phòng bệnh đường hô hấp, cần mặc đủ ấm, vệ sinh mũi họng, uống nhiều nước ấm và dinh dưỡng đầy đủ.
Đau nhức xương khớp: Thời tiết chuyển lạnh làm những người có bệnh về xương khớp bị đau nhức khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống, nhất là với người cao tuổi. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tập thể dục đều đặn, tránh tắm khuya, không tắm nước lạnh, luôn giữ âm cơ thể, ăn uống đủ chất…
Nguyên tắc chung để phòng bệnh trong thời điểm giao mùa