Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Giao mùa: Các dấu hiệu sốt khiến con bạn có thể gặp nguy hiểm

Thông thường, khi trẻ sốt không đi kèm theo các triệu chứng gì, trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày, nhưng nếu trẻ có các dấu hiệu sốt dưới đây, kèm theo các triệu chứng lạ thì cha mẹ cần chú ý.

  Các dấu hiệu sốt khiến con bạn có thể gặp nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay

Các dấu hiệu sốt khiến con bạn có thể gặp nguy hiểm cần đến bệnh viện ngay

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốt không phải là bệnh mà là một phản ứng của cơ thể báo hiệu về tình trạng nhiễm trùng của cơ thể, là báo động của cơ thể khi bị tổn thương.

Có nhiều nguyên nhân gây sốt cho trẻ, nếu trẻ sốt mà không kèm theo các triệu chứng gì lạ thì có thể chỉ là sốt siêu vi bình thường, trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày. Nhưng đôi khi trẻ sốt là biểu hiện ban đầu của viêm phổi, viêm amidan mủ, viêm họng do liên cầu khuẩn, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng…, cần được điều trị sớm để trẻ tránh gặp nguy hiểm.

Đặc biệt, bác sĩ Dũng cảnh báo, thời điểm giao mùa thu đông như hiện nay trẻ rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp do thay đổi thời tiết như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm họng do lạnh… hoặc cũng có thể mắc sốt xuất huyết, sởi… Và tất cả bệnh này đều có thể làm cho trẻ bị sốt. Do vậy, sốt chỉ là triệu chứng mà không phải bệnh và điều trị hạ sốt cũng là điều trị triệu chứng, phụ huynh không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, khi trẻ chẳng may bị sốt cha mẹ cần chú ý một số dấu hiệu dưới đây để đưa con đi thăm khám kịp thời, tránh cho trẻ gặp phải nguy hiểm.

Trẻ liên tục sốt cao khó hạ: Cha mẹ nên cho con đi khám ngay nếu trẻ dưới 4 tháng tuổi đo nhiệt thấy lớn hơn hoặc bằng 38 độ C, hoặc trẻ trên 4 tháng tuổi mà sốt không rõ nguyên nhân trên 24 giờ thì nhanh chóng cho trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị sớm.

  Trẻ sốt kèm theo ho, nôi ói, khó thở là những dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể gặp nguy hiểm

Trẻ sốt kèm theo ho, nôi ói, khó thở là những dấu hiệu cảnh báo trẻ có thể gặp nguy hiểm

Trẻ sốt kèm theo các biểu hiện lạ: Trẻ sốt cao kèm theo các biểu hiện nôn ói, tiêu chảy liên tục, li bì, bỏ ăn, quan sát trên đầu thấy các thóp phập phồng, da có phát ban thì nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Trẻ sốt kèm theo ho, thở nhanh, rút lõm lồng ngực: Khi trẻ bị sốt, kèm theo ho và có dấu hiệu thở nhanh, tức là trẻ đã có thể bị viêm phổi. Lúc này, cha mẹ nên đưa con đi thăm khám xem trẻ có thực sự viêm phổi không và có hướng điều trị kịp thời. Còn khi trẻ ho, sốt kèm thêm dấu hiệu rút lõm lồng ngực thì 80% là trẻ bị viêm phổi nặng. Hậu quả là suy hô hấp dẫn đến thiếu oxy, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ gây tử vong.

Trẻ sốt kèm theo co giật: Khi trẻ bị sốt cao dẫn đến co giật cha mẹ không nên bế con chạy đi viện ngay mà thay vào đó cho con nằm trên mặt phẳng thoáng, dọn sạch vật dụng xung quanh có thể gây hại con.

Tiếp đó cởi bỏ hết quần áo cho con, đặt con nằm nghiêng trái rồi lấy khăn lau hết đờm nhớt hay chất nôn của con. Đặt 1 viên nhét hậu môn paracetemol liều 15mg/kg cho con. Khi con hết co giật thì mới lập tức đưa con đến cơ sở y tế gần nhất.

Có khoảng 30% trẻ sốt cao co giật sẽ bị lại lần 2 nên cha mẹ cần chuẩn bị sẵn paracetamol dạng viên nhộng tại nhà. Nếu lần trước con co giật lúc 39 độ C thì lần này con cặp ở nách thấy 38 độ C nên nhét 1 viên hạ sốt vào hậu môn trẻ và đưa ngay vào bệnh viện.

  Khi trẻ bị sốt, chườm ấm cũng là cách để giảm nhiệt độ cho trẻ

Khi trẻ bị sốt, chườm ấm cũng là cách để giảm nhiệt độ cho trẻ

Cách xử lý tại nhà với trẻ trên 4 tháng tuổi chớm sốt? 

Thuốc hạ sốt phổ biến cho trẻ hiện nay là paracetamol với liều 15mg/kg cân nặng cứ thế nhân lên và liều dùng cách nhau từ 4 - 6 tiếng. Thuốc này ưu tiên dùng vì ít tác dụng phụ với trẻ. 

Ví dụ bé nặng 10kg, khi cặp nhiệt thấy 38 độ C thì nên nhét 1 viên paracetamol 150mg hậu môn hoặc uống 1 gói 150mg, theo dõi trẻ 24 giờ nếu không đỡ thì đưa trẻ đi bệnh viện. 

Để theo dõi nhiệt độ của con, cha mẹ dùng loại nhiệt kế kẹp nách hoặc hậu môn. Với nhiệt kế kẹp nách thì cộng thêm 0.5 độ C, còn hậu môn thì đo được bao nhiêu thì đó là nhiệt độ của con. 

Một điều quan trọng cha mẹ cần làm là bù nước cho trẻ khi sốt, tốt nhất là nước cam, chanh, hoặc ít nhất là nước lọc… cơ thể lúc này cần nước hơn bao giờ hết, động viên bé uống từng chút một, uống bất cứ khi nào có thể… 

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể chườm ấm cho con khi bị sốt bằng cách dùng 5 cái khăn nhúng nước ấm (như nước tắm bé) vắt hơi ráo nước. Sau đó đặt khăn ở vị trí hai bên nách, hai bên bẹn, thay đổi khăn mỗi 2 – 3 phút, một khăn lau toàn thân. Cho thêm nước nóng khi thấy nước lau mát không còn đủ độ ấm và ngừng chờm ấm khi nhiệt độ thấp hơn 38 độ C. Lau khô người cho trẻ và mặc cho trẻ quần áo mỏng, thoáng mát.

An Bình

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính