Tuần tuần tháng tháng chỉ khấn giời tháng này lương chuyển đủ trả nợ. Con số nợ tiền tỉ khổng lồ như một cái nhọt thỉnh thoảng lại làm mình vừa đau vừa xót vừa lo vừa tuyệt vọng.
Sinh ra tại thủ đô, trong một gia đình trung lưu không giàu có cũng không khó khăn nên từ bé bản thân mình thực sự ít phải va chạm với vấn đề cơm áo gạo tiền, cứ thế hồn nhiên lớn lên, hồn nhiên có mọi thứ mà không phải lăn tăn, băn khoăn nhiều về việc nó từ đâu đến.
Nếp sống, nếp nghĩ này càng được đà phát triển mạnh mẽ khi chưa tốt nghiệp ra trường mình đã có một công việc thu nhập tương đối tốt.
Từ những năm 2009-2010, mức lương hơn 10 triệu, thậm chí hơn trong những tháng cao điểm đủ để “em cứ hồn nhiên rồi em sẽ bình yên”. Đi làm vài ba năm, bố mẹ không bắt đóng góp chi tiêu, tiền kiếm được đúng là chỉ để mua sắm và du lịch.
Quả thực, nhờ đó mà mình đã có một thời thanh xuân rủng rỉnh, thích gì mua nấy, một năm đi du lịch vài ba lần nhưng… không có bất cứ một đồng tiền dư nào. Khái niệm tiết kiệm tiền, tiền phòng thân, tiền lấy chồng là một số 0 tròn trĩnh.
“Nồi nào úp vung nấy”, mình lấy phải ngay một ông chồng cũng y hệt, tiền đến đâu tiêu đến đó. Khi quyết định làm đám cưới cưới, trong tay 2 vợ chồng không có quá đôi chục triệu, gia đình hai bên khoán cho vợ chồng tự lo các khoản cơ bản.
Tiền sửa nhà, ảnh cưới, áo cưới vân vân mây mây trăm thứ bà rằng không tự nhiên ở trên trời rơi xuống. Không có tiền, không sao, thì đi vay. Vay luôn ngân hàng cho máu! Hai “tấm chiếu mới” chúng mình mạnh dạn cầm thẻ lương ra ngân hàng vay, vay hẳn 100 triệu tiêu cho nó thoải mái.
Mà cũng nhờ giời, cưới xong cứ tà tà trả, cũng hết. Trả nợ xong hình như cũng không có điều gì thức tỉnh, vợ chồng mình, mà chủ yếu là mình lại tiếp tục giữ phong cách cũ: có tiền thì cứ tiêu thôi.
Mà nhờ có phong cách này nên trộm vía ở với nhau mấy năm chẳng cãi cọ quá dăm lần, đời sống lúc nào cũng vui phần phật, đi ăn đi chơi, mua sắm đều tăm tắp. Vậy nên với thu nhập tổng giao động ở mức ba chục triệu, không lo thuê nhà, không lo trả nợ mà vợ chồng mình vẫn… không tiết kiệm được một đồng.
Điều này tiếp diễn đến tận lúc mình sinh con. Tất nhiên, có con, mọi chi tiêu thay đổi nhưng co chỗ này, kéo chỗ kia, tài chính vẫn ổn chỉ là đầy hoang mang nếu nhỡ có bất cứ việc gì xảy ra thì không biết lấy tiền đâu ra mà… chi!
Vốn vợ chồng mình có một ngôi nhà ở một khu đô thị đông đúc do bố mẹ chồng mua lúc cưới nhưng thực tình, nó xa cơ quan của cả 2, và nhất là nó xa trung tâm, xa phố xá.
Ở đó 5 năm nhưng chưa lúc nào mình nguôi ngoai nỗi nhớ cái tấp nập, đông vui, cái ồn ã gần gặn của phố phường.
Ở đó 5 năm nhưng từ trong trái tim mình, mình không ưng ý nó như một tổ ấm. Ngày quay lại làm việc sau sinh, mỗi ngày đi đi về về mệt nhoài hàng tiếng đồng hồ mình cảm thấy kiệt sức, cảm thấy lãng phí thời gian dành cho con.
Chỉ từ những điều nhỏ nhặt ấy, vợ chồng mình quyết định đổi nhà. Tính mình làm gì cũng nhanh, trên đường đi làm về ngó thấy một dự án gần cơ quan, trông được được, vào xem ưng ý, dắt chồng đến xem, chồng cho vợ quyết định, vậy là xong việc mua nhà.
Ngắn gọn còn hơn một giấc mơ. Ngôi nhà mới chỉ cách cơ quan 5 phút đi xe, gần phố phường hơn, đông vui hơn và đặc biệt là đúng với tiêu chí tổ ấm của mình hơn.
Quyết mua nhà nhưng, tất nhiên rồi, đầu tiên là tiền đâu, gom góp trong ngoài được 50 triệu, dự tính bán ngôi nhà đang ở gộp vào sẽ được non nửa số tiền mua ngôi nhà mới. Vậy thì đi vay, mà cứ vay ngân hàng cho tiện.
Thực tình mình đọc nhiều bài mua nhà của các đôi vợ chồng trẻ đều nhắc đến chuyện vay người thân nhưng bản thân mình khi vay vòng quanh người thân vẫn không thấm tháp vào đâu so với con số phải nộp.
Nhà mình mua đã bàn giao nên phải nộp một cục, không chia đợt nên chưa bao giờ bản thân mình phải quản lý, tính toán một số tiền lớn đến vậy. Đặc biệt thời điểm mua nhà chưa bán được nhà cũ, mình phải đi gom gần 1 tỷ trả trước trong 3 ngày.
Chồng mình – người đàn ông có bao nhiêu tiền đưa vợ bấy nhiêu, chưa từng hỏi vợ một lần tiêu tiền như thế nào song cũng không giỏi trong các mối quan hệ để vay mượn. May mắn, một mình mình quay cuồng hỏi vài chục người, vận dụng đủ cách cũng gom được tiền trả đúng hạn. Nhưng mình mệt, mệt đến kiệt sức trong dòng tiền.
Vì dự định có khoản tiền bán nhà cũ nên mình chỉ vay bạn bè, người thân nộp 40% giá trị nhà, phần còn lại mình ký nợ ngân hàng trên chính ngôi nhà mới mua. Mình có dự định ngay sau khi bán được nhà sẽ trả nợ ngân hàng một cục, còn tiền nợ bạn bè sẽ trả sau.
Vậy nhưng khi bán được nhà cũ, câu chuyện lại không thuận lợi như vậy, một số khoản vay ngoài cần phải trả gấp, một số chi phí nhà cửa phát sinh khiến tiền bán nhà cũ tan như bong bóng xà phòng mà nợ ngân hàng vẫn còn đó.
32 tuổi, dù đã có trong tay tấm bằng trên đại học nhưng mình mới ngơ ngác bước vào lớp học quản lý tài chính gia đình. Lần đầu tiên trong đời mình nghiêm túc nghĩ lại về việc kiếm tiền và tiêu tiền.
Bạn bè bằng tuổi mình, ai cũng có một khoản không to thì nhỏ. Vì sao chỉ mình mình kiếm không ít mà lại luôn không có tiền? Tại mình, phung phí, vô lo, vô nghĩ, chỉ biết sống trước mắt, không biết lo lâu dài?
Hơn 1 năm sau mua nhà, là một năm lo lắng, chạy đua với tiền “tới lui giật lùi” với mình. Mỗi tháng tiền trả ngân hàng lên tới 2 con số, một khoản nho nhỏ tiếp tục trả bạn bè và tiền học cho con cũng là một khoản không nhỏ.
Tài khoản hễ ting ting là chuyển đi bằng sạch, chỉ còn một con số ít ỏi để chi tiêu. Lần đầu tiên sau khi lập gia đình, mình chỉ vẻn vẹn chi cho những nhu cầu cơ bản, ngoài khoản chi cho con là được bảo toàn, nhu cầu của bố mẹ được cắt hết.
Đặc biệt không du lịch, tuần tuần tháng tháng chỉ khấn giời tháng này lương chuyển đủ trả nợ. Con số nợ tiền tỉ khổng lồ như một cái nhọt thỉnh thoảng lại làm mình vừa đau vừa xót vừa lo vừa tuyệt vọng. Thực sự!
Câu này thực sự đúng chuẩn với mình. Nhiều đêm vắt tay lên trán nghĩ về tiền trả nợ, mình lại “giá như”, giá như mình biết tiết kiệm từ sớm, giá như mình chỉ tiêu một nửa thu nhập, giá như mình đừng này kia khác…
Nhưng giá như không mang đến tiền cho mình, nên sau những hối hận khôn nguôi, mình lại tiếp tục đi học trăm ngàn bí kíp chi tiêu trên các hội nhóm Facebook. Và rồi mình nhận ra rằng, để quản lý tiền, để kiểm soát chi tiêu, mình không thể dập khuôn theo bất cứ ai, mà phải là từ chính mình.
Có nợ nần, chắc chắn con người sẽ có động lực kiếm tiền mạnh mẽ hơn. Nhưng công việc làm thêm không phải lúc nào cũng đều đặn và suôn sẻ. Do đó tiêu dùng hàng tháng vẫn phải hoạch định trong số tiền lương cố định.
Các khoản kiếm được thêm sẽ lập tức được chuyển vào tiết kiệm online, dồn lại để trả các khoản nợ khác. Các ngân hàng hiện nay đều có hình thức tiết kiệm online rất tiện lợi, vậy nên 1 triệu, 2 triệu hay 3 triệu nếu có thể đều nên lập thành sổ online. Nhiều sổ nhỏ khi gộp lại cũng sẽ có một số tiền lớn.
Nếu vay tiền ngân hàng, phải trả trong thời gian sớm nhất bởi chỉ riêng tiền lãi cũng đã là một khoản khổng lồ. Như vợ chồng mình trả ngân hàng 14 tháng, riêng tiền lãi đã mất hơn 100 triệu, cực kỳ xót ruột. May mà khi ông bà ngoại bán nhà, mình cũng có một khoản để trả bớt cái số khổng lồ này.
Đấy, vẫn chỉ là ăn may thôi nên mình khuyên chân thành là đừng cố quá khi mua nhà, chỉ nên nợ ½ số tiền mua nhà thôi chứ nợ nhiều hơn là bị nợ vật kinh khủng lắm.
Thẻ tín dụng cũng là một giải pháp tốt nếu chúng ta biết kiểm soát. Thẻ tín dụng có thể trả chậm 45 ngày, đặc biệt nhiều thẻ có chính sách hoàn tiền tốt cho chi tiêu nên hãy tận dụng thẻ tín dụng cho các khoản lớn như đóng tiền bảo hiểm, đóng tiền học cho con, mua sắm đồ dùng điện tử…
Các khoản chi tiêu lớn còn được đăng ký trả góp, lãi suất rất ưu đãi nếu chúng ta bắt buộc phải chi khoản lớn trong thời điểm chưa có tiền. Thường mình sẽ quẹt các khoản lớn khi đã dự định được nguồn thu, sau đó tiền về một cái là chuyển ngay vào tiết kiệm online chờ đến hạn sẽ trả vào thẻ tín dụng. Tuy nhiên, tiêu thẻ cũng phải kiểm soát, đừng “mắt không thấy, tim không đau” mà quẹt lia lịa rồi không thấy nguồn trả ở đâu nhé.
Cuối cùng, quan trọng nhất, chính là thay đổi thói quen chi tiêu. Chỉ chi tiêu những thứ thực sự cần thiết, không đi mua sắm chỉ vì có thời gian rảnh, không đi siêu thị khi đang đói, mua sắm trên các kênh online để nhận được nhiều ưu đãi hơn.
Mỗi khi mua gì nên tự hỏi 3 câu: Mình có thiếu đồ dùng này không? Mình có cần đồ dùng này không? Không có đồ dùng này mình có gì để thay thế không? Không mua thứ gì đó ngay khi nhìn thấy và thích, cần suy nghĩ ít nhất 1 ngày trước khi mua nó.
Khi có tiền, mọi thứ đều dễ dàng và vui vẻ. Vậy khi không có tiền, chúng ta có thể dễ dàng và vui vẻ không? Tất nhiên là có, chỉ là chúng ta vui vẻ theo cách khác. COVID-19 là thách thức, nhưng cũng là cơ hội.
Thách thức khi vì nó mà thu nhập bị giảm, nhưng là cơ hội khi thói quen sinh hoạt thay đổi. Thay vì ăn nhà hàng, chúng ta ăn ở nhà nhiều hơn, thay vì xem phim rạp, chúng ta xem phim ở nhà, thay vì du lịch xa hoa, chúng ta hài lòng với những nơi hoang sơ ít người, thay vì mua hàng chục bộ quần áo công sở, chúng ta chỉ cần vài bộ thay đổi đủ dùng, thay vì mua cho đủ bộ sưu tập màu son, chúng ta chỉ cần mua một hộp khẩu trang.
Hiện nay, dù vẫn nợ dí, dù hàng tháng con số tài khoản chỉ còn ít ỏi cho tiêu dùng, nhưng mình đã thư thả hơn rất nhiều. Dù có nợ nhưng mình cũng vẫn có tài khoản tiết kiệm nhỏ xíu và một mơ ước liều lĩnh đầy nợ nần khác đó là mua xe. Sớm thôi, mình cũng phải mua xe vì con trai lúc nào cũng thủ thỉ “Khi nào mẹ có tiền mẹ mua oto lái nhé”.
Mơ ước ấy mà, ai bảo không để làm gì! Con trai chờ mẹ mua ô tô nhé!
Người dự thi: Nguyễn Quỳnh Trang (Hà Nội)
Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY