Vụ bắt trẻ tự tát 32 cái vào mặt: Đứng trước học sinh cá biệt, giáo viên nên làm gì?

Trong các vụ bạo lực học đường giữa thầy - trò, khi cái tát được giơ lên, chính người làm thầy cô sẽ trở thành kẻ tội đồ bị xã hội lên án.

Hình bóng quen thuộc trong các vụ việc học sinh bị thầy cô đánh đều được nhà trường đánh giá là những đứa trẻ cá tính, "ngổ ngáo". Điển hình như vụ việc 7 học sinh bị kỷ luật ở trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hoá) hay vụ việc học sinh phải tự tát 32 cái vào mặt do phạm lỗi tại TP. HCM.

Trong đó, vụ việc cô giáo bắt trẻ tự tát 32 cái do nói chuyện riêng đang được dư luận đặc biệt chú ý. Theo đó, một cô giáo tại trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TP.HCM), đặt ra quy định học sinh nói chuyện phải tự tát 2 cái. 

Em thứ hai bị phát hiện tự tát 4 cái. Em tiếp theo 6 cái. Cứ lần lượt như thế, em bị phát hiện sẽ tự động cộng thêm 2 cái tát. Đến giữa tháng 10/2018, theo quy định lạ đời của cô T., có học sinh phải tự tát 32 cái ngay trước bạn bè, dù đó là lần đầu vi phạm.

Điều đáng nói, khi được hỏi về sự việc, cô giáo cho biết, những học sinh tự tát đều là các học sinh cá biệt.

Bàn trên khía cạnh những trẻ bị xử phạt đều là các học sinh hư, trong giáo dục, không thể phủ nhận các thầy cô hàng ngày phải đối mặt với áp lực từ phía học sinh, ức chế trước sự nổi loạn của tuổi học trò.

Bình luận về vụ việc trên, cô giáo Đào Vân Khánh, Giáo viên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Có những nguyên tắc vàng trong giải quyết, xử lý những em học sinh “đặc biệt”. Chúng ta cần hiểu rõ hoàn cảnh, tính cách, thói quen, sở thích của trẻ; không nên có cái nhìn kì thị, coi thường, mắng nhiếc, cô lập học sinh mà cần quan tâm trước tập thể.

Mỗi thầy cô nên trở thành điểm tựa đáng tin cậy về tinh thần cho học sinh cần quan tâm. Cùng với đó, hãy tôn trọng quyền lựa chọn, quyết định của học sinh, nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực và trân trọng những tiến bộ của học sinh”.

Theo các chuyên gia tâm lý, bạo lực học đường, bất kể người đánh hay người bị đánh đều là nạn nhân, kể cả chúng là những học sinh nổi loạn. 

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý chương trình Plan tại Hà Nội cho biết: “Ngày nay, người lớn sử dụng những biện pháp “trừng phạt” để xử lý lỗi lầm của trẻ. Điều đó sẽ khó giải quyết hết vấn đề, sẽ dễ hơn nếu chúng ta cùng trẻ tìm rõ nguyên nhân, trao đổi với trẻ. 

Ngoài ra, thầy cô, cha mẹ nên áp dụng những hình thức kỷ luật tích cực không ảnh hưởng về thể chất, tinh thần của trẻ, giúp trẻ nhận ra lỗi, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi của mình”.

Đặc biệt, rất cần những hệ thống, địa điểm, nguồn hỗ trợ để khi trẻ chứng kiến bạo lực mà không có khả năng can thiệp có thể báo cáo”. 

Theo TS Tâm lý Lê Nguyên Phương, Chủ tịch Hội liên hiệp Phát triển Tâm lý học đường thế giới, chỉ có yêu thương mới đẩy lùi được bạo lực, mỗi người cần bắt đầu bằng những hành động cụ thể, kể cả những ai không làm việc trong lĩnh vực giáo dục, tâm lý.

Vốn dĩ, bạo lực học đường xảy ra giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh, phụ huynh và giáo viên. Nó bắt nguồn từ những lệch lạc trong ứng xử giữa các cá nhân.

“Để khắc phục những tồn tại đó thì tư vấn tâm lý học đường có vai trò quan trọng giúp các cá nhân giải tỏa những cảm xúc tiêu cực và xây dựng các mối quan hệ tích cực – một yếu tố quan trọng của văn hóa học đường”, ông Phương cho biết.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn