Hiện chân bé sưng to do nọc độc của rắn hổ mèo, đây là loại rắn thuộc dạng vô cùng nguy hiểm.
Bé T.N.N.Y, hiện đang học lớp 5 (tại một trường Tiểu học ở Định Quán, Đồng Nai). Sau buổi sáng học ở trường, bé trở về nhà để nghỉ ngơi và chuẩn bị cho buổi học chiều.
Khi về đến nhà, bé mở cửa bước thẳng vào mà không hề hay biết là đã vô tình dẫm trúng đuôi của con rắn. Rất không may cho bé đã bị rắn quay lại cắn trúng chân. Bé hoảng sợ la lớn, người nhà nhanh chóng chạy tới sơ cấp cứu cho bé bằng cách caro chân lại và chuyển bé đến cơ sở y tế gần đó. Sau một thời gian điều trị, tình trạng chân của bé sưng to không giảm.
Gia đình đã chuyển bé lên bệnh viện Nhi đồng 2 để điều trị. Tại khoa Nội tổng hợp - bệnh viện Nhi đồng 2, em nhập viện với tình trạng chân trái sưng to. Các bác sĩ nhận định: Đây là vết thương do rắn hổ mèo cắn, loại rắn này được xếp vào loại nguy hiểm.
Theo BS.CK2. Vũ Hiệp Phát - Trưởng khoa Nội tổng hợp, tùy vào từng loại rắn (rắn chàm quạp, lục xanh, hổ đất, hổ mèo, hổ chúa, cạp nia...) mà có cách điều trị khác nhau và mức độ nguy hiểm của chúng cũng khác nhau.
Bác sĩ cho biết một số cách sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn:
- Trấn an tinh thần của người bị rắn cắn.
- Hạn chế di chuyển và nẹp.
- Không cởi bỏ quần áo hay rửa, chạm vào vết thương.
- Tuyệt đối không dùng các mẹo, các bài thuốc dân gian để chữa hay hút máu độc...
- Dùng băng thun bản rộng để băng chặt vùng bị cắn (băng chặt như khi bị bong gân), băng từ dưới vết cắn băng lên càng cao càng tốt.
- Nẹp cố định và giữ bất động chi bị rắn cắn. Sau đó, chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất có điều kiện cấp cứu hồi sức. Một số triệu chứng: Suy hô hấp, sốc, xuất huyết
Để hạn chế rắn vào nhà: Cần phát quang các bụi rậm, đóng kín các cửa nhà, thường xuyên chú ý tới những khu vực xung quanh bể nước, bồn tắm, máy giặt,...