Trước đây, nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở người già, nhưng hiện nay bệnh xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi. Vì sao nhồi máu cơ tim xảy ra ở người trẻ?
Nhồi máu cơ tim là một cấp cứu khẩn trong y khoa. Đó là tình trạng tắc nghẽn đột ngột động mạch nuôi tim còn gọi là động mạch vành gây thiếu máu nuôi tim, tổn thương tế bào cơ tim dẫn đến suy tim, rối loạn nhịp tim, đột tử...
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý rất nguy hiểm, nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong lên tới 50%.
Theo các chuyên gia tim mạch, nhồi máu cơ tim có thể xảy ra với bất kỳ ai và những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch có nguy cơ càng cao. Nếu người trẻ có người thân cùng huyết thống như cha hoặc anh trai - có tiền sử bị các cơn đau tim và đột quỵ, có nghĩa là họ có nguy cơ di truyền bệnh về tim mạch.
Ngoài ra, lối sống ít vận động, thừa cân, ăn uống kém lành mạnh, căng thẳng, áp lực công việc chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim ở người trẻ. Do đó, các bác sĩ tim mạch khuyên người từ 30 - 40 tuổi nên đi đánh giá sức khỏe tim mạch từ 3 - 4 năm một lần.
Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, người trẻ cần thay đổi lối sống để giúp kiểm soát các vấn đề tim mạch như:
- Không hút thuốc, bởi chất nicotine trong thuốc làm thu hẹp các mạch máu và gây thêm căng thẳng cho tim.
- Duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa phải. Vì người thừa cân béo phì thường có huyết áp cao hơn những người có cân nặng bình thường.
- Ăn uống lành mạnh là một trong những vũ khí tốt nhất giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim. Thực phẩm nạp vào cơ thể ảnh hưởng trực tiếp đến mỡ máu, huyết áp và cả lượng đường trong máu. Để tốt cho tim mạch, người trẻ cần hạn chế muối, đường, các món chiên xào, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đồ luộc hấp…
- Tránh tập thể dục quá sức. Tập luyện thể thao với cường độ cao có thể dẫn đến tổn thương tim và rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, tập luyện quá sức có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ngừng tim đột ngột hoặc đột tử do tim ở những người có bệnh tim tiềm ẩn.
- Không nên ngồi quá nhiều. Thói quen ít vận động, ngồi nhiều một chỗ là một yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tim.
- Không nên uống nhiều rượu, bia vì uống quá nhiều rượu, bia có thể làm tăng huyết áp, khiến nhịp tim không đều và làm tăng nguy cơ gặp phải nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
- Ngủ đủ giấc. Người trưởng thành cần ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm. Nếu không ngủ đủ giấc sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh cao huyết áp, béo phì và tiểu đường, từ đó làm tăng nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim.