Vì sao giới trẻ đột quỵ ngày càng nhiều?
BV Lão khoa Trung ương mới tiếp nhận một bệnh nhân mới 14 tuổi nhưng nặng tới 74 kg. Bệnh nhân này phải nhập viện do đột quỵ, nhồi máu diện rộng.
“Một bán cầu não của bệnh nhân không được máu bơm vào, nhồi máu diện rộng dẫn đến bệnh nhân bị tê liệt các bộ phận trên cơ thể”, bác sĩ Đỗ Mai Huyền, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương thông tin.
Lý giải về tình trạng đột quỵ có xu hướng trẻ hóa, bác sĩ Huyền cho biết, mạch máu não của người trẻ bị xơ hóa nhanh do ăn nhiều chất béo, đồ chiên rán, đồ nướng, ăn nhiều chất đường, uống nước ngọt… nhưng ít vận động. Chính những thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt dẫn đến tỷ lệ đột quỵ gia tăng ở người trẻ tuổi.
Ở những người trẻ tuổi, các biểu hiện sớm nhất của đột quỵ thường dễ quan sát ở tay, chân và mặt. Cụ thể, bệnh nhân đột quỵ có thể xuất hiện tình trạng cơ miệng bị méo một bên, giọng nói méo tiếng, tay chân không nhấc lên được, không thể cầm nắm, chân đi khụy ngã, lết...
Với người trẻ tuổi cần thay đổi chế độ dinh dưỡng có kiểm soát, hạn chế chất béo, đường bột trong bữa ăn, tăng cường hoạt động thể dục thể thao để phòng ngừa đột quỵ.
Với người cao tuổi, những ngày nắng nóng gay gắt khiến nhịp tim của người già tăng nhanh, đồ mồ hôi nhiêu, thở nhanh mất nước dẫn đến huyết áp, nhịp tim tăng, nhất là ở trên những người có bệnh nền thiếu máu cơ tim, suy tim hay loạn nhịp tim thì yếu tố tăng huyết áp làm bệnh tái phát rất nhanh, dẫn đến suy tim, đột quỵ.
Những điều cần làm để phòng tránh đột quỵ
Những ngày nắng nóng, người cao tuổi cần tránh hoạt động ngoài trời từ 10 giờ - 16 giờ. Chỉ nên tập thể dục nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh, yoga, đi bộ… lúc sáng sớm hoặc chiều tối khi trời đã mát.
Người cao tuổi cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống như ăn đồ chế biến dạng lỏng, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống đủ 2 lít nước/ngày, nên uống nhiều lần trong ngày, không nên đợi đến lúc khát mới uống.
Đặc biệt, với những người có bệnh lý nền như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, hô hấp…, cần uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi trong những ngày nắng nóng, người già thường mệt, khó chịu nên bỏ thuốc điều trị... dẫn đến bệnh tái phát, rất nguy hiểm.
Trong ngày nắng nóng, người già cũng nên sử dụng quạt, điều hòa để làm mát cơ thể nhưng lưu ý chỉ nên để nhiệt độ từ 27 - 29 độ C và có thêm quạt thông gió.
Những lúc thời tiết dịu mát, nên tắt điều hòa, mở quạt và mở cửa để phòng thông thoáng. Đặc biệt, người già cần tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, ví như khi từ phòng điều hòa ra ngoài nắng nóng (hoặc ngược lại) thì cần có không gian đệm để tránh sốc nhiệt.
An AnBạn đang xem bài viết Vì sao người trẻ đột quỵ ngày càng nhiều? Cách phòng đột quỵ trong ngày nắng nóng tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].