Đâu là “giờ vàng” để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ?
Theo thống kê, khoảng 3-5% bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ đột quỵ trong thời gian mắc bệnh. Đột quỵ thường xãy ra vào 3-5 ngày đầu tiên khi có kết quả dương tính, tỷ lệ mắc đột quỵ tăng cao hơn nữa ở những bệnh nhân bị covid nặng, những người có bệnh lý nền như: đái tháo đường thể 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì….
Sở dĩ COVID-19 có thể gây đột quỵ bởi virus làm tăng phản ứng viêm và dẫn đến gia tăng hình thành các cục máu đông trong hệ động mạch, tĩnh mạch ở các cơ quan, đặc biệt là não và phổi. “Sau khi đột quỵ xảy ra, mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết. Điều tiên quyết ở bệnh nhân đột quỵ dù bất cứ lý do gì, cũng là phải được cấp cứu và can thiệp trong giờ vàng là trong vòng 6h khi xảy ra đột quỵ.”- TS.BS Tôn Thất Trí Dũng – Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, chuyên gia hàng đầu về can thiệp đột quỵ ở miền Trung khẳng định.
Theo BS Dũng, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa tại Việt nam, đây là vấn đề thật sự đáng lo ngại. Theo thống kê cho thấy có đến 10% bệnh nhân đột quỵ ở độ tuổi 18 – 44. Người trẻ tuổi khi mắc COVID-19 và có các dấu hiệu đột quỵ thường không nghĩ đến khả năng đột quỵ nên không đi bệnh viện ngay.
Họ tưởng là mình chỉ mệt mỏi nên thay vì phải đến bệnh viện ngay họ lại nghỉ ngơi với hy vọng cơ thể ổn định trở lại. Hậu quả là để lại di chứng nặng nề về vận động, thần kinh. Ngoài ra việc e ngại lây dịch COVID, cộng với việc chưa hiểu phải cấp cứu sớm nên khi bị đột quỵ, bệnh nhân cũng có xu hướng trì hoãn nhập viện.
Đáng chú ý, những bệnh nhân đột quỵ khi bị nhiễm COVID-19, ngoài những nguy cơ thông thường như liệt, hạn chế vận động, mất thăng bằng…, còn gặp các vấn đề ở hô hấp, tim do virus SARS – CoV-2. Do đó, khả năng hồi phục của người bệnh sẽ hạn chế hơn và đòi hỏi thời gian dài hơn.
Để điều trị đột quỵ, thông thường, các bác sĩ sẽ tiến hành các biện pháp sớm nhằm giải phóng cục máu đông, tái tưới máu cho não. Hiện nay, nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã làm chủ các phương pháp can thiệp đột quỵ hiện đại nhưng chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Tại khu vực miền Trung và Tây nguyên, Vinmec Đà Nẵng được biết đến là một trong các bệnh viện hàng đầu về cấp cứu và can thiệp đột quỵ, nơi đã cứu sống thành công nhiều ca bệnh nặng.
Vinmec Đà Nẵng có đầy đủ đội ngũ y, bác sĩ giàu kinh nghiệm, phương tiện hiện đại và quy trình cấp cứu đột quỵ chuẩn, sẵn sàng cấp cứu ngay cả với các trường hợp người bệnh là F0 hoặc đột quỵ do Covid-19 để đảm bảo cấp cứu trong thời điểm “giờ vàng”, giúp bệnh nhân sớm phục hồi.
“Tầm soát yếu tố nguy cơ không để đột quỵ xảy ra là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất”
Trong thời gian dịch Covid diễn biến nặng nề vừa qua, Vinmec Đà Nẵng tiếp nhận nhiều bệnh nhân có triệu chứng, nguy cơ đột quỵ.
Trường hợp chị Nguyễn Thị K. P. (48 tuổi) là một ví dụ. Chị P. đau đầu âm ỉ trong thời gian dài nhưng bỏ qua vì bận bịu công việc và lo ngại dịch bệnh nên trì hoãn việc đi khám. Rất may mắn, chị P. biết tới Vinmec Đà Nẵng và được chẩn đoán chính xác bằng trang thiết bị hiện đại, được điều trị kịp thời bằng phương pháp can thiệp túi phình, đặt stent chuyển dòng, chủ động loại bỏ túi phình mạch não trước khi túi phình bị vỡ gây đột quỵ.
Ngay cả với những trường hợp dương tính virus Sars-CoV-2 như bệnh nhân Nguyễn Thị H. (54 tuổi) bị nhức đầu kéo dài, được khám và sàng lọc và nhận được những chỉ dẫn để phòng tránh, chờ can thiệp ngay khi khỏi Covid-19 để tránh đột quỵ. Vì vậy, bác sĩ khẳng định, những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ của đột quỵ thì nên được khám và sàng lọc, kiểm soát các yếu tố nguy cơ để phòng tránh đột quỵ xảy ra.
Thực tế, trước khi đột quỵ xảy ra, cơ thể đã có những “tín hiệu” sức khỏe đòi hỏi cần quan tâm và khám sàng lọc đề phòng đột quỵ trước khi quá muộn. Và dù có bị nhiễm Covid hay không, khi bạn có một trong biểu hiện sau đây mà đột ngột xãy ra, nghĩa là bạn có thể đang bị đột quỵ, bạn cần khẩn cấp được đưa đến bệnh viện để cấp cứu kịp thời
- Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân;
- Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói;
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt;
- Đột ngột đau đầu dữ dội;
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc không thể cử động theo ý muốn…
Việc phòng ngừa đột quỵ xảy ra ở những người có yếu tố nguy cơ và tình trạng tâm thần kinh hậu COVID-19 là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Nắm bắt được nhu cầu này, hệ thống các Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã thiết kế gói sàng lọc nguy cơ đột quỵ và các rối loạn tâm thần kinh sau nhiễm COVID-19.
Thông qua gói khám, người bệnh sẽ được đánh giá chức năng thần kinh- tâm thần, tim mạch – hô hấp và thực hiện các thăm dò đánh giá tình trạng tổn thương nhu mô và hệ mạch máu não. Từ đó, các bác sĩ xác định được nguy cơ để có biện pháp phục hồi tình trạng thần kinh cũng như dự phòng đột quỵ cho người bệnh. Đặc biệt, với những người có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ, béo phì…thì việc sàng lọc này càng có ý nghĩa.
Sáng 23.4.2022, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Làm thế nào để phát hiện và ngăn ngừa sớm đột quỵ”. Tại Hội thảo, TS. BS. Tôn Thất Trí Dũng, Trưởng khoa Nội – Đơn vị đột quỵ, can thiệp mạch não - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng sẽ chia sẻ về phòng ngừa đột quỵ và thái độ xử trí khi đột quỵ xảy ra và các phương pháp điều trị hiện nay. TS. BS. Tôn Thất Trí Dũng là chuyên gia đã có trên 24 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành nội thần kinh, đột quỵ và can thiệp mạch não.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Đột quỵ thời COVID - Đừng để lỡ mất 'giờ vàng' tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].