Mong mỏi những 'trường học hạnh phúc' của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ là vô cùng hợp lý và cần thiết. Vì sao cái mong mỏi ấy mãi chưa thể thành hiện thực?
Vụ việc nữ giáo viên Nguyễn Thị Thu Trang đánh, tát tới tấp các học sinh của lớp 2A7 trường Tiểu học Quán Toan khiến dư luận cũng chưa thôi bất bình và có nhiều ý kiến thảo luận về phương pháp giáo dục của hệ thống giáo viên hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho biết: "Tôi thực sự buồn khi đọc, nghe và xem clip giáo viên đánh học sinh ở trường tiểu học Quán Toan, Hải Phòng.
Tôi càng buồn hơn khi đó là một cô giáo. Cô giáo ấy nếu chưa làm mẹ thì sau này cũng sẽ làm mẹ, làm bà, lại là người được đào tạo trong ngành giáo dục thì hành vi của nữ giáo viên này vô cùng phản cảm, đi ngược lại toàn bộ mong mỏi, hi vọng của lãnh đạo ngành Giáo dục Việt Nam, đông đảo phụ huynh và toàn xã hội.
Lẽ ra, cô giáo này phải hiểu mình là giáo cụ trực quan sống cho học sinh. Những học sinh trong độ tuổi lớp 1, lớp 2 là những đứa trẻ đang trong quá trình hình thành nhân cách, chúng sẽ nhìn những người ngay gần chúng, bên cạnh chúng mỗi ngày là bố mẹ và thầy cô giáo để học hỏi, hình thành nhân cách tốt đẹp trong con người bé nhỏ của chúng.
Ấy thế mà chúng "vớ" phải một cô giáo không có tình thương với con trẻ, không có tư cách đạo đức của một người thầy. Điều đó thật nguy hiểm".
Trả lời câu hỏi về việc mới đây Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo chung tay xây dựng trường học hạnh phúc với các giá trị cốt lõi: "Yêu thương, an toàn và tôn trọng", việc này có khả thi hay không? bà Bùi Thị An cho rằng: "Mong mỏi những "trường học hạnh phúc" của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ là vô cùng hợp lý và cần thiết.
Trường học hạnh phúc như Bộ trường Nhạ hướng tới là ngôi trường chuẩn mực với thầy cô chuẩn mực, thân thiện để tạo hứng khởi đến trường cho chính thầy cô và cho học sinh.
Vì sao cái mong mỏi ấy mãi chưa thể thành hiện thực?
Mục tiêu đặt ra rất rõ ràng nhưng ngành Giáo dục đã tổ chức để đạt được mục tiêu đó chưa? Đã đưa ra những biện pháp để thực hiện mục tiêu đó như thế nào?
Ngành Giáo dục phải có lộ trình thực hiện, biện pháp cụ thể, vai trò trách nhiệm của từng bộ phận? Ví dụ như trong một nhà trường, để xây dựng môi trường hạnh phúc, thân thiện đó thì nhiệm vụ của Ban Giám hiệu, của từng cán bộ, nhân viên của nhà trường như thế nào?"
"Đã đến lúc phải chỉ đạo sát sao, giám sát, kiểm tra đôn đốc từ các cơ sở giáo dục để có hiệu quả. Tôi cho rằng, phải có chế tài nghiêm khắc để xử lý những trường hợp không thực hiện đúng mục tiêu đề ra. Từ đó mới có thể hi vọng không còn thấy tình trạng đau lòng ở các trường học hiện nay", nguyên ĐBQH Bùi Thị An chia sẻ.