Nhiều người sau khi khỏi COVID-19 vẫn bị ho dai dẳng. Tình trạng này là do đâu và có nguy hiểm không?
Chia sẻ về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Thị Kim Oanh – Phụ trách phòng khám thuộc khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, BV Hữu Nghị cho biết, COVID-19 là bệnh gây tổn thương tế bào nội mô, tăng phản ứng viêm và miễn dịch, gây tổn thương đường hô hấp, nặng nữa là bệnh nhân gặp phải tình trạng xơ phổi, dẫn đến bệnh nhân suy hô hấp, với các biểu hiện là ho nhiều, khó thở, đau ngực, SPO2 giảm.
Vậy nên, người mắc COVID-19 dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn có triệu chứng ho nhiều, ho dai dẳng là do bệnh nhân bị tổn thương đường hô hấp.
Bác sĩ Kim Oanh cho biết, rất nhiều bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 bị ho dai dẳng, ho nhiều khiến bệnh nhân không chịu được phải đến bệnh viện thăm khám. Các bệnh nhân mô tả triệu chứng ho sau mắc COVID-19 có các biểu hiện như:
- Bệnh nhân ho theo cơn, một cơn ho rất dài không chịu nổi, ho đến mức vã mồ hôi, cơn ho có thể kéo dài đến 30 phút.
- Bệnh nhân ho dai dẳng liên tục cả ngày, có thể là ho khan hoặc ho có đờm
- Bệnh nhân ho húng hắng nhưng mãi không hết, dẫn đến người bệnh phải đi khám.
Với những trường hợp ho dai dẳng sau khi mắc COVID-19, bác sĩ Oanh cho biết việc điều trị phải theo phác đồ của Bộ Y tế, dùng các phác đồ tổng hợp, kết hợp liệu trình điều trị để bệnh nhân ổn định hơn, giảm nhanh triệu chứng.
Trong quá trình mắc COVID-19 mà bị ho, bệnh nhân vẫn có thể dùng siro ho để giảm triệu chứng, nhưng không nên dùng kéo dài. Trong quá trình điều trị sau 4 tuần, kể từ khi triệu chứng đầu tiên khởi phát mắc COVID-19 mà bệnh nhân vẫn ho dai dẳng thì nên đi khám bệnh để được tiến hành chụp phổi, xét nghiệm các yếu tố viêm, phát hiện các biến chứng…, từ đó bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp cho người bệnh.