PGĐ Bệnh viện E: Tôi không có quan niệm Hậu COVID-19

V.Linh
'Các bệnh nhân đã mắc COVID-19 đừng quá lo lắng bởi cụm từ khóa Hậu COVID-19, mọi người chỉ cần chăm sóc sức khỏe bản thân thật tốt sau khi mắc COVID-19 thì không có gì phải sợ vấn đề này' - TS.BS Phan Thảo Nguyên – Phó Giám đốc BV E chia sẻ.
PGĐ Bệnh viện E: Tôi không có quan niệm Hậu COVID-19 0

Dành cho PV Gia Đình Mới 1 cuộc phỏng vấn về vấn đề Hậu COVID-19 - vấn đề đang thu hút được sự quan tâm lớn của người dân, TS.BS Phan Thảo Nguyên – Phó Giám đốc BV E đã có những chia sẻ rất hữu ích để các bệnh nhân mắc COVID-19 không bị "rối" giữa rất nhiều luồng thông tin.

PV: Thưa TS Nguyên, các bệnh nhân mắc COVID-19 đang rất quan tâm và có cả những lo lắng trước những thông tin về vấn đề "Hậu COVID-19" vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe sau này. Dưới góc độ chuyên môn của bác sĩ tại BV tuyến Trung ương, anh nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

TS.BS Phan Thảo Nguyên: COVID-19 đã xuất hiện cách đây hơn 2 năm. Lúc đầu chúng ta khá mơ hồ và lo lắng về loại virus này. Nhưng bây giờ chúng ta đã hiểu về cơ chế sinh bệnh, diễn biến bệnh và virus cũng trải qua rất nhiều biến chủng như Alpha, Delta, Omicron… Đến nay, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh. 

Đối với các y bác sĩ của bệnh viện E đã tham gia chống dịch COVID-19 từ những ngày đầu tại rất nhiều "mặt trận" nóng và khốc liệt như tại TP.HCM và 1 số tỉnh phía Nam: Đồng Tháp, Tây Ninh… Từ những kinh nghiệm thực tế đó, hiện nay, BV đang tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 của 3 quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Trải qua thời gian dài chiến đấu và tìm hiểu về căn bệnh nguy hiểm này, chúng tôi thấy khi người dân đã trang bị đủ "vũ khí" là đồ phòng hộ, quy định 5K và đặc biệt là vắc-xin thì COVID-19 không còn quá đáng sợ nữa.

Chúng tôi thấy người bệnh và dư luận đang lo lắng quá nhiều về vấn đề Hậu COVID-19. Thậm chí, do nhắc đến quá “liều lượng” tạo cảm giác "nóng" với những thông tin đa chiều, đôi khi gây hoang mang, lo lắng không cần thiết với người bệnh, dẫn tới càng ảnh hưởng tới sức khỏe của họ. Còn tại bệnh viện E, là cơ sở y tế có đủ chuyên ngành điều trị bệnh, các y bác sĩ không có Hậu COVID-19 mà chỉ có quan tâm: Bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 thế nào? Sức khỏe ra sao? Tư vấn cho các bệnh nhân này như thế nào?

Nhiều người sẽ nghĩ rằng, về cơ bản đó chỉ là sự khác nhau ở tên gọi, thuật ngữ nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng, chúng ta nên quan tâm tư vấn và điều trị thế nào cho đúng, cho trúng để các bệnh nhân đã mắc COVID-19 hiểu và theo dõi sức khỏe sau khi mắc bệnh chứ không tạo tâm lý sợ hãi, hoang mang.

PV: Vậy theo TS, các cựu F0 có cần lo lắng về sức khỏe của bản thân không?

TS.BS Phan Thảo Nguyên: Bệnh viện E đang tiếp nhận và tư vấn cho rất nhiều bệnh nhân sau khi mắc COVID-19. Trung bình mỗi ngày từ 70 - 100 bệnh nhân tới khám và điều trị liên quan đến COVID-19.

Qua thực tế các bệnh nhân mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh đã đến khám, chúng tôi nhận thấy mỗi bệnh nhân có biểu hiện bệnh khác nhau. Đặc biệt là sự khác nhau giữa bệnh nhân đã tiêm vắc-xin và chưa tiêm vắc-xin. Tất nhiên là bệnh nhân nào chưa tiêm vắc-xin thì các triệu chứng đều nặng hơn người đã tiêm.

Là bác sĩ điều trị trực tiếp, tôi nhận thấy đúng là nhiều bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 và điều trị khỏi nhưng vẫn có những triệu chứng gây ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống của họ. Tuy nhiên, tôi đưa ra lời khuyên đối với bệnh nhân đã mắc COVID-19 đừng quá lo lắng khi nghe tới từ khóa "Hậu COVID-19". Chỉ cần sau khi bị mắc COVID-19, mọi người có thêm một cơ hội quý giá để lắng nghe cơ thể mình từ sớm sau đó quan tâm, chăm sóc tới sức khỏe cho tới khi hoàn toàn ổn định. 

PGĐ Bệnh viện E: Tôi không có quan niệm Hậu COVID-19 1

PV: Cụ thể các triệu chứng gây ảnh hưởng sức khỏe của bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi là gì, thưa TS?

TS.BS Phan Thảo Nguyên: Như tôi đã nói ở trên, mỗi bệnh nhân đều có những biểu hiện, triệu chứng có sự khác nhau. Nhưng khác biệt lớn nhất vẫn là giữa đối tượng đã tiêm và đối tượng chưa tiêm vắc-xin.

Đa phần các bệnh nhân chưa tiêm vắc-xin, qua kết quả chiếu chụp cho thấy, đều có để lại những di chứng, đặc biệt là ở phổi rất nặng nề. Tỷ lệ viêm nhiễm ở phổi, xơ phổi, ứ đọng, viêm phổi kẽ hoặc tổn thương nang phổi hằn lên rất rõ ràng.

Với những bệnh nhân đã tiêm, thì triệu chứng bệnh biểu hiện nhẹ hơn, quá trình điều trị cũng nhanh khỏi hơn. Mặc dù số lượng người này mắc bệnh ngoài cộng đồng có thể tăng nhưng không quá lo ngại. Bởi kết quả chiếu chụp đối với các đối tượng này, dù cũng có tổn thương ở phổi chứ không quá nặng nề.

Tôi sẽ phân tích cụ thể hơn về các bệnh lý bệnh nhân mắc COVID-19 mắc phải. Tiêu biểu, về phổi: 

Bệnh nhân ho hắng rất nhiều, ho khan, đặc biệt từ 10 - 18 ngày BN hay bị hụt hơi, cảm thấy thiếu oxy. Qua nghiên cứu thì đây đúng là biểu hiện của bệnh lý về viêm nhiễm ở đường phổi phế nang, tiểu mao mạch của phế nang và trao đổi phổi vẫn bị viêm. 

Có những bệnh nhân khi đến với chúng tôi ở ngày thứ 14, kết quả chụp CT phổi thấy tổn thương phế nang và phổi rất cao. Chúng tôi đã cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông, đồng thời kết hợp thuốc giảm viêm. Sau 7 - 10 ngày, chụp lại thấy tỷ lệ tổn thương phổi giảm đi. Triệu chứng khó thở, hồi hộp, hụt hơi giảm đi. Các triệu chứng lo âu, mất ngủ cũng mất đi.

Về tim mạch: 

COVID-19 ảnh hưởng tới hệ thống tim mạch rất lớn. Vì nó gây rối loạn đông máu, không chỉ gây tăng đông và còn gây giảm đông, không chỉ gây chảy máu và còn ảnh hưởng nhiều nữa.

Số liệu ghi nhận và nghiên cứu của y bác sĩ BV E qua các đợt chống dịch, điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 3 ở Đồng Tháp, cho thấy đường kính thất phải to hơn so với mức bình thường gấp nhiều lần. Nghĩa là BN bị tổn thương ở phổi và dẫn tới tình trạng suy tim phải, ảnh hưởng trực tiếp tới buồng tim bên phải.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng bị tổn thương mạch vành - hệ thống mạch máu của tim gây ra hiện tượng tăng đông máu, dẫn tới nhồi máu cơ tim, đặc biệt là các bệnh nhân có bệnh lý về rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, tăng huyết áp thì dòng chụp của động mạch vành trên SA rất chậm, cứ lờ đờ. Dòng chảy chậm mạch vành chứng tỏ tưới máu ngoại vi của mạch vành giảm cho dù không tác cấp động mạch vành nhưng bệnh nhân vẫn có tình trạng suy tim và cần điều trị. 

PGĐ Bệnh viện E: Tôi không có quan niệm Hậu COVID-19 2

PV: Thế còn với trẻ em, người trẻ thưa TS?

TS.BS Phan Thảo Nguyên: Trẻ nhỏ không phải người lớn, sinh lý bệnh khác người lớn và việc chăm sóc, điều trị cũng khác người lớn. Đặc biệt, trẻ nhỏ (trẻ dưới 12 tuổi) vẫn chưa được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nên nếu mắc phải có thể sẽ gặp phải những tổn thương ở phổi.

Do đó, mặc dù trẻ nhỏ có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà nhưng cha mẹ vẫn nên cho con đi kiểm tra lại sức khỏe sau khi mắc bệnh, nhất là kiểm tra chức năng hô hấp, cơ quan tim mạch… để phát hiện và điều trị sớm những tổn thương có thể gặp phải khi trẻ chẳng may mắc COVID-19.

Với trẻ nhỏ thường bị ho, sốt khi mắc bệnh, có những trẻ sốt cao đến 40 độ C, trẻ nhỏ hiếu động nên có thể chạy chơi ngay sau khi hạ sốt nhưng cha mẹ vẫn cần chú ý, bởi có những tổn thương bên trong mà mắt thường không thể nhìn thấy mà phải qua thăm khám mới phát hiện được.

Vậy nên, dù trẻ nhỏ phục hồi rất nhanh, triệu chứng có thể nhẹ khi mắc bệnh nhưng cha mẹ vẫn nên cho con kiểm tra lại sức khỏe trong những ngày đầu sau khi khỏi COVID-19.

Tình trạng sức khỏe bị ảnh hưởng sau khi mắc COVID-19 không chỉ gặp ở trẻ nhỏ, người già, mà những người trẻ cũng bị. Rất nhiều người trẻ gặp phải tình trạng hụt hơi, đau tức ngực, mất ngủ, đau đầu, mỏi người… sau khi đã khỏi COVID-19.

 PV: Vậy TS có lời khuyên nào đối với các bệnh nhân COVID-19?

TS.BS Phan Thảo Nguyên: Chúng ta đã có vũ khí để chống lại COVID-19 chính là vắc-xin và kèm theo những khuyến cáo của ngành y tế. Người dân tuân thủ các khuyến cáo này, tiêm vắc-xin đầy đủ là có thể an tâm học tập, làm việc dù dịch vẫn còn phức tạp.

Khi biết mình bị nhiễm COVID-19, các bạn thoải mái về tinh thần, theo dõi các triệu chứng của cơ thể và sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của cơ sở y tế. Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, hoa quả.

Trong thời gian 1 tháng sau khi mắc COVID-19, người dân nên quay lại các cơ sở y tế để nhận được sự tư vấn của y bác sĩ để đạt được sức khỏe tốt nhất. Đặc biệt là người bệnh có bệnh lý nền.

Khi chúng ta phát hiện sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời thì không có vấn đề gì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cả.

Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính