Ngày 10/1, BV Bạch Mai thông tin về ca bệnh cao tuổi nhất được điều trị đột quỵ tại đây. Đây cũng là trường hợp đột quỵ cao tuổi nhất sử dụng đồng thời 2 phương pháp tiêu sợi huyết và lấy huyết khối cơ học.
Trước đó, cụ ông Đào Văn Dễ (103 tuổi, ở Văn Lâm, Hưng Yên) được người nhà đưa vào Trung tâm Đột quỵ - BV Bạch Mai trong tình trạng lơ mơ, yếu nửa người phải, thất ngôn hoàn toàn…
Qua khai thác, gia đình bệnh nhân cho biết, vào khoảng 22 giờ ngày 2/1, sau khi xem xong trận bóng đã giữa Việt Nam và Thái Lan, gia đình thấy cụ lịm đi, cứ nghĩ cụ buồn ngủ nhưng khi chạm vào người thấy cụ dần dần ngã ra. Với những kiến thức tự tìm hiểu trên các kênh truyền thông đại chúng cùng với kinh nghiệm bản thân, gia đình dự đoán cụ đã bị đột quỵ. Ngay lập tức gia đình gọi xe cứu thương để đưa cụ thẳng từ Hưng Yên lên Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi khai thác bệnh sử và đánh giá lâm sàng, các bác sĩ của Trung tâm Đột quỵ nhận định, đây là ca bệnh Đột quỵ não cấp, khởi phát trong giờ vàng. Ngay lập tức, chế độ “fast track” được khởi động và bệnh nhân được xử trí tối cấp cứu: Chụp MSCT mạch não để đánh giá nhu mô và mạch não.
Kết quả MSCT mạch não cho thấy, cụ Đào Văn Dễ bị nhồi máu não thùy đảo, trán trái do tắc động mạch não lớn bên trái (động mạch não giữa) đoạn M1 trái, ASPECT 8/10 điểm (Điểm phim CT sớm của Chương trình Đột quỵ Alberta nhằm đánh giá nhu mô não do động mạch não giữa chi phối). Tuy nhiên, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng tương đương vùng tranh tối tránh sáng (vùng cứu được) lớn. Đồng thời, bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng khi tắc mạch lớn ở bán cầu não ưu thế.
Theo phác đồ, người bệnh sẽ sử dụng thuốc tiêu sợi huyết và can thiệp lấy huyết khối cơ học. Tuy nhiên, bệnh nhân tuổi cao nên việc triển khai các kỹ thuật này phải tính toán rất kỹ vì nguy cơ biến chứng cao. Bác sĩ gặp gia đình giải thích về việc can thiệp cũng như nguy cơ xảy ra.
Trong 60 phút, ê-kíp tại Trung tâm Đột quỵ phối hợp với Trung tâm Điện quang tiến hành can thiệp, chỉ 2 giờ mạch máu đã tái thông. Sau 24 giờ can thiệp, bệnh nhân hồi phục và đến nay, có thể đọc rành mạch, rõ ràng các bài thơ do cụ tự sáng tác. Nhớ lại trận đá bóng giữa Việt Nam và Thái Lan, cụ kể rành mạch từng thời điểm ghi bàn của đội tuyển Việt Nam cũng như Thái Lan.
Chứng kiến sự hồi phục thần kỳ của cụ, ông Đào Văn Nhẫn, 77 tuổi (con trai thứ hai) vui mừng chia sẻ với các bác sĩ về quyết định đúng đắn của mình: “Nhìn thấy các triệu chứng của bố, chúng tôi đoán là bố đã bị đột quỵ. Lúc đó, cụ đã nhũn như dưa. Để có thể cứu được cụ thì chúng tôi nghĩ chỉ có Bệnh viện Bạch Mai là tốt nhất nên đã gọi xe cứu thương chạy thẳng từ nhà ở Hưng Yên lên Bệnh viện Bạch Mai để kịp đến viện trong “giờ vàng”. Kết quả đúng là thần kỳ, các bác sĩ Bạch Mai đã hồi sinh lại bố tôi. Gia đình tôi rất cảm động trước sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và y bác sỹ bệnh viện nói chung và Trung tâm Đột quỵ nói riêng đã cứu bố tôi gần như từ cõi chết trở về và đã bình phục một cách thần kỳ ngoài sức tưởng tượng.
Theo các bác sĩ, trường hợp của cụ Dễ là ca hiếm gặp và là ca lâm sàng nhồi máu não cao tuổi nhất Việt Nam được điều trị bằng hai phương pháp tái tưới máu thành công diệu kỳ.
Qua trường hợp này, các bác sĩ cũng khuyến cáo thêm, việc phát hiện sớm dấu hiệu đột quỵ rất quan trọng trong cứu sống người bệnh. Các dấu hiệu phát hiện đột quỵ gồm:
- F (FACE): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
- A (ARM): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc.
- S (SPEECH): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản.
- T (TIME): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
An AnBạn đang xem bài viết Cụ ông 103 tuổi bị đột quỵ não được cứu sống thành công tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].