Trong khi người viết bài đang ngồi trong nhà bếp của công ty Hampton Creek (Mỹ) để thưởng thức món gan ngỗng được làm từ phòng thí nghiệm, một nhóm các nhà khoa học của công ty này đang bận rộn để tạo ra gan ngỗng cũng như những sản phẩm thịt nhân tạo đầu tiên trên thế giới.
Josh Tetrick, CEO của công ty, đã liên hệ với một số nhà khoa học để tiến hành dự án này từ cuối năm 2016.
Đến nay, dự án đã có những thành tựu đầu tiên. Rất nhiều doanh nhân quyết định đầu tư vào nghiên cứu thịt nhân tạo như một trong những ‘kế hoạch điên rồ nhưng rất giàu tiềm năng’.
Đó là miêu tả của Aparna Subramanian, một nhà sinh vật học tế bào gốc có 15 năm kinh nghiệm, về công việc hiện tại của cô.
"Để thiết lập một dòng tế bào mới, chúng ta phải cung cấp nguyên liệu ban đầu - các tế bào - từ những con gà đang còn sống" – Subramanian nói.
Các nhà khoa học đã hợp tác với một trang trại chăn nuôi địa phương để xác định những động vật có chất lượng cao nhất để lấy tế bào gốc (thậm chí cả các tế bào gốc ở gốc của lông tơ gà cũng có thể dùng cho việc này, cô giải thích).
"Ian" là con gà may mắn được chọn cho mục đích này. Ian được đưa từ trang trại về sân sau của phòng thí nghiệm, nơi nó thay vì bị giết vài tuần sau khi được nuôi, sẽ sống toàn bộ cuộc đời mà một con gà có thể sống.
Một số tế bào gốc từ Ian sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm, phát triển (nuôi) bằng nguồn huyết thanh động vật và các chất dinh dưỡng khác.
Như vậy là sản phẩm thịt sẽ xuất xưởng từ phòng thí nghiệm chứ không phải theo quy trình từ trang trại đến lò giết mổ.
Hampton Creek là một trong số không nhiều công ty khởi nghiệp với mục đích mang “thịt sạch” cũng như các nông sản nhân tạo khác ra thị trường.
Công ty Hampton Creek giờ đây có giá trị hơn một tỷ đô la, họ bắt đầu chi hàng triệu đô la mỗi năm dành cho việc nghiên cứu để thương mại hóa thịt nhân tạo.
Thông qua sáng kiến này, Josh Tetrick – CEO của công ty, hy vọng sẽ loại bỏ được tình trạng dịch bệnh ở gia cầm. Những sản phẩm thịt nhân tạo được phát triển từ tế bào gốc hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh!
Nếu những doanh nhân này thành công, họ sẽ thay đổi hệ thống cung ứng thực phẩm toàn cầu theo một cách chưa từng có.
Họ sẽ giải quyết được những vấn đề môi trường to lớn, mà cách thức chăn nuôi truyền thống đang gây ra. Một triển vọng giải quyết vấn đề an ninh lương thực, thách thức về kinh tế toàn cầu do gia tăng dân số cũng được đề cập.
Những người ăn chay có thể ăn thịt nhân tạo không?
Điều trớ trêu là, Aparna Subramanian – người ăn chay theo tôn giáo, lại không thể ăn các loại trái cây, thịt mà chính cô tạo ra trong phòng thí nghiệm. "Đó là thịt thật", cô giải thích, "một sản phẩm động vật."
Những sản phẩm thịt nhân tạo tuy không được tạo ra theo quy trình nuôi – giết mổ thông thường, nhưng vẫn có nguồn gốc từ tế bào động vật.
Ngoài ra, loại thịt được “nuôi cấy” này còn phải trải qua rất nhiều thử nghiệm trước khi được đưa ra thị trường.
Khó khăn lớn hiện nay của các nhà khoa học tại Hampton Creek là giảm giá thành sản xuất thịt nhân tạo.
Mục tiêu của công ty này là sản xuất được thịt nhân tạo với giá cao hơn chỉ 30% so với thịt thông thường.
Tetrick nói: ‘Nhìn xem, chúng ta có 7,5 tỷ người cần phải ăn trên hành tinh này. Sắp tới sẽ còn có hàng tỷ công dân mới.
Tôi hoàn toàn tự tin rằng các quốc gia đang phát triển, những nơi đang phải giải quyết rất nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm, sẽ vui vẻ móc hầu bao chi cho sản phẩm của chúng tôi, khi mức giá của những sản phầm này còn hợp lý hơn cả thịt hiện tại.
Nếu như EU không muốn mua thịt nhân tạo đầu tiên, thì những nước như Israel, Trung Quốc, Barazil sẽ mua. Trước tiên, những gì chúng tôi bán sẽ là thịt gà’.
Cho đến năm 2030, Hampton Creek có kế hoạch sẽ phát triển thành công ty sản xuất thịt lớn nhất thế giới với 200 lò phản ứng sinh học, sản xuất 76 pounds cá ngừ vây xanh trong một giây, cùng với thịt bò sạch Kobe, và - cuối cùng - những gì họ tự hào nhất là: sản xuất thịt gà sạch và ngon nhất thế giới.