Một ca tử vong của bé gái 11 tuổi bị hóc hạt trân châu được chia sẻ trên mạng khiến nhiều phụ huynh hoang mang. Các bác sĩ nhi khoa đã chỉ ra sai lầm của bố mẹ trong cách cho trẻ ăn trân châu.
Trước đó, ngày 7/8 trên tài khoản Facebook Phan Xuân Trung chia sẻ về một câu chuyện đau lòng xảy ra với đồng nghiệp của anh vào tháng trước. “Một nữ đồng nghiệp của tôi tháng trước bị mất một đứa con gái 11 tuổi. Sự việc xảy ra khi hai mẹ con vui vẻ cùng tự tay làm món trà sữa trân châu. Món ngon cả hai mẹ con cùng thích. Hạt trân châu bằng bột, dẻo dẻo, dai dai, dính dính. Nước trà sữa ngọt ngào, thơm ngon. Chiếc ống hút to bự đưa từng ngụm trà sữa cùng những hạt trân châu vào miệng.
Nhai dai dai, dẻo dẻo. Có một hạt kẹt trong ống nên bé hút mạnh và hạt trân châu bay thẳng vào cuống họng của bé làm tắc đường thở! Bé chới với vì nghẹn thở. Bé không thể hít vào hay thở ra.
Mọi phương pháp giải thông đều vô hiệu. Hạt bột dính chứ không trơn như hột me hay hòn bi. Khi đưa bé đến bệnh viện thì bé không còn cơ hội sống!”, bác sĩ Phan Xuân Trung chia sẻ.
Điều đáng nói, trên thực tế, nguy cơ trẻ tử vong, nguy kịch vì hóc trân châu không phải hiếm. Nó được coi như những ca bệnh hóc dị vật đường thở. Ngay như tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi đồng 1… cũng tiếp nhận những trường hợp trẻ nhập viện cấp cứu bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp hóc dị vật, trong đó có trẻ hóc trân châu.
Ông Phan Xuân Trung chia sẻ thêm, trà sữa trân châu không phải là nguyên nhân gây tai nạn. Thức ăn Việt Nam truyền thống cũng có dạng hột, làm bằng bột dẻo như đậu đỏ bánh lọt, chè trôi nước (xôi nước), rau câu, thạch dừa...
Vấn đề là dùng ống hút để hút mạnh sẽ làm lọt thức ăn vào thanh quản. Chính vì vậy, với trẻ nhỏ, khi sử dụng trân châu, cha mẹ nên múc bằng muỗng chứ không nên dùng ống hút lớn. Các cửa hàng trà sữa trân châu nên chọn ống hút nhỏ hoặc không dùng ống hút.
Trước ca bệnh kể trên, trao đổi với PV Gia Đình Mới PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguy cơ trẻ hóc, sặc trân châu rất lớn và vô cùng nguy hiểm. Hạt trân châu trong trà sữa thường tròn, trơn..., nếu sử dụng ống hút lớn, trẻ lại ăn trong khi nô đùa… vô cùng nguy hiểm.
Ngay như trường hợp bé 11 tuổi kể trên, vì khi hạt bị kẹt trong ống hút, bé đã dùng lực hút quá mạnh nên dị vật rơi thẳng vào nắp thanh môn khiến trẻ không thể hô hấp như bình thường.
Ngoài ra, vì tính chất dai, trơn nên khi sơ cấp cứu, để khiến dị vật hạn trân châu bắn ra cũng khó hơn so với các dị vật cứng như hạt nhãn, hạt chôm chôm...
Chính vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt chú ý kiểm soát trẻ khi cho ăn các loại thức ăn dạng hạt, trơn, dẻo, không để trẻ nô đùa, ép thúc trẻ khi đang ăn.
Với các trường hợp hóc dị vật, sơ cấp cứu là bước vô cùng quan trọng, theo bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung Ương, với các ca hóc dị vật nói chung, hóc trân châu nói riêng như bệnh nhi này, nếu biết cách xử trí, cách sơ cứu rất đơn giản có thể cứu sống được bệnh nhân.
Còn nếu xử trí không đúng, bệnh nhân được chuyển tới viện có thể được cứu sống nhưng chịu di chứng suốt đời vì tổn thương não không phục hồi, có khi tử vong.
Nếu bệnh nhân tỉnh táo, có ho được thì hãy khuyến khích bệnh nhân ho rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Trường hợp bệnh nhân không ho được, ho không có hiệu quả, cần nhanh chóng làm liệu pháp vỗ lưng, ấn ngực.
Đặt bệnh nhân nằm dọc lên cánh tay, cho đầu bệnh nhân chúi xuống, nghiêng về một bên sau đó thực hiện vỗ lưng 5 lần, sau đó quan sát xem dị vật đã ra được chưa. Nếu vẫn không thấy dị vật ra, hãy cho trẻ nằm ngửa ra, dọc theo cánh tay, đỡ bằng một bên chân và ấn ngực ở vị trí 1/2 dưới xương ức.
Nếu bệnh nhân không tỉnh hãy tiến hành đánh giá, mở thông đường thở, nghe bệnh có thở hay không. Nếu không thở cần hà hơi, thổi ngạt theo nguyên tắc hà hơi 5 lần, 15 lần ép tim.