Mới đây, nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã hướng dẫn sơ cấp cứu hóc dị vật thành công cho một ca bệnh do hóc lạc.
Trong lúc đang trực để điều phối xe, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, nhân viên của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã nhận được điện thoại từ trường Phổ thông liên cấp Olympia (ở Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhờ cấp cứu cho trường hợp cô gái 22 tuổi bị hóc hạt lạc.
Khi nhận được thông tin, chị Thủy đã ngay lập tức hỏi tình trạng của bệnh nhân thì được biết, bệnh nhân đang ăn lạc thì bị ho, dẫn tới hóc, gây khó thở, mặt đỏ bừng và tím tái…
Vì thời gian để cứu sống bệnh nhân hóc dị vật được tính bằng phút nên một mặt chị Thủy vẫn điều xe cấp cứu theo như quy trình, mặt khác chị hướng dẫn qua điện thoại để những người xung quanh nạn nhân lúc đó thực hiện các bước sơ cứu.
“Lúc đó tôi hướng dẫn qua điện thoại để người thân của nạn nhân thực hiện nghiệm pháp Heimlich. Thật may mắn họ đã tin tưởng tôi, nghe tôi trấn an và thực hiện các bước sơ cứu thành công. Chỉ khoảng 2 phút 15 giây thực hiện sơ cứu, dị vật đã được tống ra ngoài và nạn nhân được cứu sống.
Sau khi dị vật được tống ra ngoài, tôi gọi điện lại hỏi tình trạng sức khỏe bệnh nhân thì được cho biết bệnh nhân đã ổn định và không cần sự giúp đỡ của cấp cứu nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn khuyên người thân đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra lại sức khỏe, tránh tình trạng còn sót dị vật gây nguy hiểm cho sức khỏe sau này” – chị Thủy cho biết.
Theo bác sĩ Trần Anh Thắng, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, khi bị sặc dị vật, nạn nhân cần được sơ cứu kịp thời, đúng cách và được đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi, thăm khám lại cẩn thận.
Bởi khi dị vật mắc kẹt trong họng sẽ ngăn cản dòng khí thở, gây nghẹt thở, làm người bệnh không thể thở hoặc nói. Hầu hết nghẹt thở là hậu quả do thức ăn mắc kẹt trong thanh quản, khí quản. Ở trẻ nhỏ, nghẹt thở khí quản do dị vật xảy ra khá phổ biến.
Nếu không sơ cứu nhanh, kịp thời sẽ dẫn đến hiện tượng bệnh nhân bị thiếu dưỡng khí, dẫn đến có thể gây tổn thương não nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong do ngạt thở. Thời gian vàng để cứu trẻ bị hóc dị vật chỉ trong khoảng 3 phút.
Các dấu hiệu chứng tỏ tắc nghẽn đường thở không hoàn toàn
- Có thể nói, khóc và trả lời bạn
- Thở khò khè, khó nhọc, hoặc thở hổn hển, có một chút khí được thở ra đường miệng
- Ho được, hoặc phát ra tiếng “gáy”
- Rất kích động hoặc lo lắng
- Da trở lên nhạt mầu hoặc chuyển mầu xanh
Dấu hiệu nhận biết nạn nhân bị nghẹt thở (tắc nghẽn đường thở hoàn toàn) do dị vật
- Dấu hiệu nghẹt thở - cả hai tay nắm chặt vào cổ họng
- Không thể nói chuyện được
- Không thể thở hiệu quả được mà không gặp khó khăn – sẽ không có sự chuyển động của khí
- Không thể ho hiệu quả được
- Thở khò khè hay ồn ào
- Thay đổi mầu sắc da: môi và móng tay chuyển mầu xanh
- Cuối cùng là bất tỉnh
Cách sơ cứu cho nạn nhân bị dị vật đường thở
Khi phát hiện nạn nhân bị hóc dị vật cần liên hệ ngay Cấp cứu 115 hoặc trung tâm y tế gần nhất để được trợ giúp. Trong thời gian chờ sự trợ giúp của nhân viên y tế, có thể thực hiện các bước sơ cấp cứu cho nạn nhân như tiến hành 5 lần đẩy bụng (còn gọi là nghiệm pháp Heimlich) như sau:
- Đứng ở phía sau nạn nhân.
- Dùng 2 tay ôm xung quanh eo của nạn nhân. Hãy đảm bảo rằng 2 tay bạn ôm qua eo ở bên dưới khung xương sườn nạn nhân.
- Dùng mặt dưới của nắm tay đặt lên gần trung tâm bụng của nạn nhân (cạnh của ngón tay cái tỳ vào bụng) ở ngay phía trên rốn và dưới mũi ức (vùng thượng vị).
- Nắm tay được bọc trong bàn tay bên kia.
- Tiến hành những lần đẩy bụng riêng rẽ và dứt khoát theo hướng vào trong và lên trên. Tiếp tục cho tới khi dị vật gây tắc nghẽn được đánh bật ra – kiểm tra sau mỗi lần đẩy bụng.
Dừng lại nếu nạn nhân bị bất tỉnh và chỉ nên thực hiện cách sơ cứu này với trẻ trên 1 tuổi. Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có thể áp dụng biện pháp vỗ lưng hoặc biện pháp ép ngực để sơ cứu.
Phòng tránh dị vật đường thở ở trẻ em
Tình trạng hóc dị vật thường xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là độ tuổi trẻ đi mẫu giáo. Để tránh trẻ bị hóc dị vật, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng trẻ, bác sĩ Thắng khuyến cáo như sau:
- Khi trẻ bú nên bế trẻ trên tay với tư thế đầu và vai cao hơn chân.
- Khi trẻ ọc sữa, cần nghiêng đầu trẻ sang một bên để chất nôn không vào đường thở.
- Nếu bé bú bình, cha mẹ nên lưu ý kiểm tra núm vú sao cho lỗ thông núm ti không nên quá rộng khiến sữa chảy xuống dồn dập bé không nuốt kịp.
- Không nên cho bé bú khi đang nằm, khóc, chơi, ho và không ngửa cổ bé lên hết cỡ để cho bé bú bình hoặc uống nước/thuốc.
- Trong suốt quá trình cho ăn, cha mẹ cần quan sát con thật kỹ, động tác mút sữa và nuốt xuống một cách nhịp nhàng. Khuyến khích con nuốt xong thức ăn lại bú tiếp, hạn chế bé bú liên tiếp vì rất dễ bị sặc.
- Sau khi bú xong, cha mẹ hoặc người trông trẻ cần bế bé lên vai, giúp bé ợ hơi, vỗ lưng nhẹ tránh gây sặc sau khi ăn.
- Trẻ thường bị sặc trong khi bú sữa, ăn bột hoặc uống thuốc, vì thế nên đặt trẻ trong tư thế ngồi khi cho bú và không được để trẻ nằm ôm bình bú một mình. Không được dỗ trẻ đang khóc bằng việc ấn bình sữa vào miệng, rất dễ gây sặc.
- Cho trẻ ăn từ từ từng muỗng nhỏ, không la mắng, bắt ép trẻ ăn nhanh, ăn nhiều.
- Khi cho trẻ ăn các loại hoa quả, đồ ăn có hạt, dạng hạt như nhãn, vải thiều, hạt điều, hạt dẻ, hạt dưa, thạch, cần loại hết các hạt ra và cho ăn miếng nhỏ.
- Trẻ vừa ăn xong phải cho uống nước để trôi, tuyệt đối không cho trẻ nằm ngửa ngay sau khi ăn.
- Tránh tuyệt đối những vật nhỏ, nguy hiểm trong tầm với của trẻ như nút áo, kim băng, tiền xu, đinh, gim, lò xo…
- Không cho trẻ cầm các loại đồ chơi, các vật nhỏ dễ khiến trẻ bỏ vào miệng ngậm. Tập cho trẻ thói quen không được ngậm bất cứ thứ gì trong miệng.
- Nếu thấy trẻ đang ngậm hoặc ăn những thứ dễ gây nên hóc, không nên hoảng hốt, la hét, mắng trẻ vì làm như vậy trẻ sợ hãi dễ nuốt vật dụng đó vào miệng dẫn đến bị hóc.
- Khi trẻ đang khóc hoặc cười lớn thì không nên đút thức ăn, hoặc cho uống thuốc, không để trẻ vừa ăn vừa chơi.
- Gọi 115 khi có nghi ngờ để được hỗ trợ và hướng dẫn cách sơ cứu.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Cách phân biệt, sơ cứu tắc nghẽn đường thở hoàn toàn và không hoàn toàn khi bị hóc dị vật tại chuyên mục Sơ cấp cứu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].