Trẻ nói vô duyên trước mặt khách làm cha mẹ bẽ mặt: Nên phạt hay lờ đi?

Giữa một bữa tiệc trang trọng, con trai bạn có thể làm mẹ ngượng chín người khi nhận xét: “Mẹ ơi sao cái bác kia có mùi ghê thế?”. Hoặc khi mở quà bà nội tặng sinh nhật, bé kêu ầm lên: “Bà mua cái váy này xấu thế, cháu ứ mặc đâu”...

Nếu cha mẹ không giải thích, trẻ không thể hiểu vì sao mình bị chê là "vô duyên" khi nghĩ gì nói nấy

Đó là một số tình huống khó xử mà cha mẹ nào cũng gặp phải. Làm thế nào để những đứa trẻ hồn nhiên “nói trước quên sau” không lặp lại những câu nói hay hành động làm bẽ mặt cha mẹ?

Đừng tư duy kiểu "Trẻ con nó thế"

Susan Verwys, Tiến sĩ Giáo dục trẻ giai đoạn sớm của trường Đại học Clavin (Michigan, Mỹ) cho biết: “Trẻ ở tuổi lên 3, lên 4 không biết bối cảnh nào là phù hợp để chia sẻ thông tin”. 

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể giúp con nhớ những nguyên tắc ứng xử cơ bản. Đừng bao giờ “lờ đi” khi nghe con nói một câu vô duyên vì cho rằng “trẻ con nó thế”. Bé sẽ hình thành những thói quen không thận trọng trong giao tiếp. Ngược lại, mắng trẻ hay phạt trẻ cũng không phải là cách giáo dục phù hợp.

Hãy thử mẹo của chuyên gia khi bé phạm “lỗi giao tiếp” như chê bai người khác, chê quà tặng...

Đầu tiên hãy giữ bình tĩnh, bé hoàn toàn không “cố tình” làm như vậy. Ví dụ với tình huống bé chê bai món quà sinh nhật bà nội tặng, Tiến sĩ Susan khuyên bạn: “Hãy ngồi xuống ngang tầm mắt của con, nói với con một cách thật dễ hiểu: ‘Mẹ con mình vẫn luôn nói cảm ơn mỗi khi nhận quà, đúng không con?”. 

Tiếp theo, cha mẹ không nên bỏ lơi sự việc ở đó. Thay vì giảng giải một “bài học đạo đức” dài dòng mà con không thể lọt tai, hãy thử cho trẻ chơi trò chơi nhập vai: Cha mẹ và trẻ cùng gói những đồ dùng gia đình thành quà tặng, thay phiên nhau là người tặng và người nhận.

Khi mở quà, hãy giải thích cho con vì sao luôn có thể tìm một điều thú vị để nói về món quà, dù cho đó là cái đèn pin hay cái bắc nồi.

Trẻ cần được "làm gương" để tránh những hành động lệch chuẩn - Ảnh minh họa

Đừng ép trẻ phải xin lỗi

Nhiều trẻ mầm non bị cha mẹ bắt phải xin lỗi khi “hồn nhiên” nhận xét một người “quá béo” ở ngay chỗ đông người, hoặc hét lên: “Mẹ ơi nhìn cô kia gầy chưa kìa!”.

Một cách đơn giản để thoát khỏi tình huống khó xử này là cha mẹ hãy xin lỗi thay con: “Tôi xin lỗi, cháu vô ý quá!”. Sau đó, khi đã ở một chỗ tương đối riêng tư, hãy nói với con rằng chỉ chỏ và bình luận về bề ngoài của người khác ở chỗ đông người là không tốt.

Bạn cũng có thể “thỏa thuận” với con một cách “bí mật” để lần sau có thể ngăn con nói to những câu bình luận gây phiền lòng người khác, ví dụ như ra dấu “suỵt” hoặc đưa hai tay lên chặn thành dấu “X” cảnh báo.

Việc giận dữ với trẻ, bắt trẻ xin lỗi trong hoàn cảnh này là hoàn toàn vô ích. Trẻ không chủ ý khi làm tổn thương ai đó, vì vậy bé sẽ không hiểu vì sao mẹ giận dữ, vì sao bé cần phải xin lỗi.

Cha mẹ hãy làm gương

Hãy luôn ghi nhớ rằng bạn không thể biết trước khi nào con thốt ra những câu “vô duyên” để ngăn chặn.

Điều duy nhất để phòng ngừa là thận trọng với những gì mà bạn nói khi bạn đang ở gần con. Bạn không thể biết khi nào những lời nhận xét về người hàng xóm kỳ quặc có thể được con hồn nhiên nhắc lại ngay trước mặt người đó.

Một khi muốn dạy con kiềm chế những câu nói gây mất lòng, bạn phải chịu khó kiểm soát thói quen “nghĩ sao nói vậy” của mình, ít nhất là trước mặt con.

Phương Phương/giadinhmoi.vn

Tin liên quan