Ngồi học sai tư thế, bàn học không phù hợp với chiều cao, hệ thống chiếu sáng kém hoặc mang cặp sách nặng lệch một bên... là những nguyên nhân gây ra tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ.
Theo ThS.BS Trần Quốc Khánh, Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ em là sự cong vẹo bất thường của cột sống, ảnh hưởng nhiều nhất đến cột sống ở vùng ngực và vùng lưng dưới.
Việc chẩn đoán sớm rất quan trọng, bởi nếu không được điều trị, biến dạng có thể trở nên tồi tệ hơn dẫn đến việc mất cân bằng cơ thể và có thể gây đau kéo dài. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều trẻ bị cong vẹo cột sống mà cha mẹ không biết.
Lý giải về nguyên nhân gây ra tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ nhỏ, bác sĩ Khánh cho biết, cong vẹo cột sống ở trẻ được chia làm hai nhóm nguyên nhân.
Nhóm nguyên nhân thứ nhất là do thực thể, tức là các cháu bị dị tật đốt sống, có đốt sống chỉ có 1 nửa, khuyết 1 bên cột sống nghiêng sang bên đó, bệnh viêm não gần tiếp giáp với cổ làm rối loạn quá trình phát triển của các cháu, tổn thương gene…
Nhóm thứ hai chiếm hơn 60% là các cháu bị cong vẹo cột sống không có nguyên nhân, nhưng có thể do thói quen như ngồi học, bê vật nặng lớn, lười vận động, còi xương, ngồi sai tư thế học… dẫn tới tổn thương cột sống và gây cong, vẹo.
Bác sĩ Khánh cũng cho biết rằng, các số liệu nghiên cứu cho thấy, có khoảng 3 – 4% trẻ dưới 18 tuổi có biểu hiện cong vẹo cột sống. Tuy nhiên, có rất ít trẻ được cha mẹ phát hiện sớm cong vẹo cột sống, mà chỉ đến khi trẻ có biểu hiện nặng, biến chứng gây đau mới được đưa đi thăm khám và điều trị.
Mặc dù tình trạng cong vẹo cột sống không nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhưng lại gây ra nhiều biến chứng nguy hại cho sức khỏe.
Với những trẻ bị cong vẹo cột sống nhẹ, bình thường mắt nhìn không thấy biểu hiện nhưng khi lớn lên các cháu hay bị đau xương khớp, đến tuổi trung niên và già sẽ bị đau cột sống dữ dội hơn.
Còn đối với những trẻ bị vẹo cột sống nặng thì các hoạt động vận động xương cốt hàng ngày bị hạn chế, ảnh hưởng đến tim mạch và khả năng hô hấp do vẹo lồng ngực.
Ngoài ra, tình trạng cong vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, nhất là khi bệnh cong vẹo cột sống chủ yếu xảy ra ở bé gái nên làm ảnh hưởng đến vóc dáng, sự tư tin của các cháu sau này.
Vậy nên, việc phát hiện và điều trị sớm cong vẹo cột sống đóng vai trò quan trọng để giúp cải thiện sức khỏe và vóc dáng của trẻ.
Để phát hiện sớm tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ, bác sĩ Khánh khuyến cáo cha mẹ cần chú ý các dấu hiệu sau:
Khi tắm cho trẻ, cha mẹ cần quan sát cột sống của con, khi thấy cột sống cong hơn bình thường thì nên đưa con đi thăm khám sớm.
Quan sát con khi ngồi học thấy dáng ngồi cong vẹo, bên vai cao, bên vai thấp thì nên bảo con cởi áo, đứng thẳng dọc thân sẽ nhìn thấy một vai thấp hơn.
Trẻ bị cong vẹo cột sống eo sẽ tạo ra khoảng trống bên rộng bên hẹp, trục cột sống cong, một bên vai nhô lên.
Cha mẹ cũng có thể nhận biết dấu hiệu cong vẹo cột sống của con bằng cách để trẻ cúi lưng cho hai tay ra trước, nếu trẻ bị cong vẹo cột sống thì xương sườn bên vẹo co lên so với bên không vẹo.
Và khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ bị cong vẹo cột sống, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Tùy vào mức độ trẻ bị cong vẹo cột sống mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp để điều chỉnh góc cong của cột sống.
‘Với trẻ bị cong vẹo dưới 20 độ, chúng tôi thường tư vấn cho các cháu tập ngồi, đi bơi, thả lỏng xà đơn, các biện pháp phục hồi chức năng.
Còn với trẻ bị cong vẹo từ 20 – 40 độ, chúng tôi sẽ tư vấn để cha mẹ đo áo chỉnh hình cho các cháu mặc. Thời gian điều trị bằng phương pháp này ít nhất là 6 tháng.
Trường hợp trẻ bị cong vẹo cột sống trên 40 độ và độ cong vẹo ngày càng tăng nhanh thì cha mẹ nên cho con phẫu thuật chỉnh cột sống để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, hạn chế những biến chứng nguy hại cho sức khỏe’ – BS Khánh chia sẻ.
Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, cách phòng tránh cong vẹo cột sống tốt nhất cho trẻ là cha mẹ nên chú trọng đến chế độ dinh dưỡng của trẻ.
Một chế độ dinh dưỡng tốt, bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất sẽ giúp cơ xương khớp phát triển khỏe mạnh, hạn chế quá trình lỏng lẻo cột sống.
Cha mẹ cũng cần hình thành cho con thói quen luyện tập thể dục thể thao, nhất là các môn bơi, đu xà, yoga… vừa giúp cải thiện vóc dáng vừa giữ cho xương chắc khỏe, ngăn ngừa tình trạng cong vẹo cột sống.
Không cho trẻ mang vác đồ nặng quá sức, đeo cặp lệch vai để tránh gây tổn thương cho cột sống.
Ngoài ra, cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen ngồi học đúng tư thế, ngồi thẳng lưng và vuông góc với phần mặt ghế, không được tì sát ngực vào thành bàn. Đầu hơi cúi xuống cách sách vở khoảng 25 - 30 cm. Giữ cân bằng hai vai và đặt hai chân song song, vuông góc. Khu vực ngồi học của trẻ phải đủ ánh sáng để trẻ không ngồi hướng sang phía nhiều ánh sáng.