Trầm cảm sau sinh: Bí quyết phòng tránh hiệu quả nhờ ăn uống

Một trong những điều tốt nhất có thể làm giảm bớt hoặc tránh trầm cảm sau sinh cho các mẹ bỉm sữa là chăm sóc dinh dưỡng, bồi đắp tình cảm.

Thời kỳ sinh đẻ là giai đoạn xảy ra những biến đổi tâm lý vô cùng khó khăn đối với người phụ nữ, làm họ dễ bị trầm cảm sau sinh
Xem thêm

Khi mẹ bỉm sữa bị trầm cảm, dinh dưỡng thường bị ảnh hưởng. Những gì mẹ bỉm sữa ăn có ảnh hưởng đến tâm trạng, cũng như chất lượng sữa mẹ. Do đó, trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh, chị em hãy cố gắng hết sức để thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh.

TS.BS Trần Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng điều trị rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời kỳ sinh đẻ là giai đoạn xảy ra những biến đổi tâm lý vô cùng khó khăn đối với người phụ nữ.

Họ phải đối mặt với những thay đổi từ hình thể, nội tiết tố đến vai trò xã hội… khiến đại đa số đều lo lắng và dẫn đến nhiều người bị trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh là bệnh lý liên quan đến suy nghĩ, hành động và sức khỏe của người phụ nữ sau sinh.

Khi đó, người mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, lo lắng và thường xuyên trách móc bản thân không đủ khả năng chăm sóc con.

Những ý nghĩ ám ảnh có thể xuất hiện và thường liên quan đến bạo lực đối với trẻ. Trong trường hợp nặng, ý nghĩ và hành vi giết đứa trẻ ngay sau khi sinh có thể xảy ra với những hoang tưởng hoặc ảo giác.

Theo bác sĩ Ngọc, có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm trong thời kỳ sinh đẻ như: sinh con lần đầu; độ tuổi của người mẹ; nạo phá thai, sảy thai hoặc thai chết lưu; mang thai ngoài ý muốn; các xung đột trong hôn nhân, căng thẳng trong cuộc sống; thiếu sự trợ giúp; khó khăn trong vấn đề chăm sóc trẻ…

Người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất của đứa trẻ.

Vì vậy, người phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và nhận được sự quan tâm chia sẻ từ người thân.

Chị em trong thời kỳ mang thai và sau sinh cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng với nhiều bữa ăn để tránh trầm cảm sau sinh

Để giúp phòng tránh trầm cảm sau sinh hiệu quả, chị em trong thời kỳ mang thai và sau sinh cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng với nhiều bữa ăn, đảm bảo khoảng 30-35Kcal/kg/ngày.

Trong đó, lượng chất đạm hợp lý chiếm từ 15 - 20% năng lượng (tốt nhất nên được cung cấp đa dạng các loại đạm từ thịt, cá, trứng, tôm, sữa, đậu….); 20-25% chất béo và 55-65% chất bột đường; uống đủ nước và ăn nhiều rau xanh.

Mọi hình thức kiêng khem thái quá đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ và trẻ nhỏ, dẫn tới những khủng hoảng tinh thần do mẹ mệt mỏi, con đau ốm, suy dinh dưỡng….

Đặc biệt giá trị của việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp người mẹ nhanh lấy lại vóc dáng, gắn kết tình cảm mẹ con; trẻ nhỏ khi được bú mẹ có sức đề kháng tốt, ít ốm vặt.

Do vậy, việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một trong những biện pháp góp phần tích cực hạn chế áp lực tinh thần cho người mẹ sau sinh.

Chế độ nghỉ ngơi cho phụ nữ sau sinh cũng cần được quan tâm chú ý. Họ cần có những giấc ngủ sâu và đủ.

Nếu nhận được những chia sẻ trong việc chăm sóc em bé hay những lời động viên tích cực, được sống trong bầu không khí thoải mái, vui vẻ cũng giúp họ cảm thấy yên tâm và an toàn.

Đặc biệt với những phụ nữ có tiền sử stress, trầm cảm hoặc gặp những vấn đề khó khăn trong mang thai và sinh đẻ, người thân cần quan tâm chú ý tới các dấu hiệu bất thường và đảm bảo uống thuốc đúng giờ.

Khi thấy họ có những biểu hiện buồn chán, lo lắng hay cáu giận bất thường, gia đình cần đưa bệnh nhân tới gặp các bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn và điều trị kịp thời, đúng cách.

Những thực phẩm giàu vitamin A, C, E... rất tốt cho não bộ và giúp phòng ngừa trầm cảm hiệu quả

Những thực phẩm tốt cho hoạt động thần kinh ở não bộ, đẩy lùi trầm cảm 

Chất chống ôxy hóa: Chất chống ôxy hóa ngăn các tác hại của gốc tự do, bảo vệ bộ não khỏi những tổn thương, giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường dẫn truyền thần kinh.

Chất chống ôxy hóa này có nhiều trong rau xanh, hoa quả tươi chứa nhiều vitamin A, vitamin C, vitamin E... như cà rốt, bí đỏ, cà chua, cải bó xôi, cam, bưởi, dưa, táo… 

Carbonhydrate: Thường có nhiều trong lương thực khô, rau xanh, trái cây, đậu lăng, đây là chất hoạt động thần kinh được các nhà khoa học chứng minh có tác dụng cải thiện tinh thần, tránh stress. 

Protein: Các loại protein có trong thịt gà, cá, trứng, sữa cung cấp cho não các loại acid amin thiết yếu của cơ thể, trong đó có tyrosine.

Tyrosine giúp làm tăng dopamine và norepinephrine trong não, tăng dẫn truyền thần kinh, cho tinh thần tỉnh táo và tăng cường độ tập trung. 

Magiê, selen: Các loại đậu, hải sản (sò huyết, hàu, cá mòi), gạo nâu, yến mạch chứa nhiều magie và selen. Đây là các coenzyme quan trọng trong việc chuyển hóa glucid và lipid thành năng lượng cho hoạt động của các tế bào thần kinh, giúp giảm mệt mỏi, suy nhược thần kinh. 

Các axit béo omega-3: Sự thiếu hụt omega 3, 6 trong khẩu phần ăn có liên quan đến tâm lý chán nản trong cuộc sống. Do đó, cần bổ sung cho cơ thể một lượng omega đầy đủ mỗi ngày để phòng bệnh trầm cảm cũng như tăng cường sự linh hoạt của não bộ bằng cách ăn các loại cá biển (cá thu, cá ngừ, cá hồi,...) hay dầu hạt lanh, dầu vừng, dầu ôliu,... 

Bên cạnh việc bổ sung các loại thực phẩm tốt cho hoạt động của hệ thần kinh cũng cần tránh các loại thực phẩm chứa chất kích thích như: bia, rượu, thuốc lá, trà, cà phê, soda... để hạn chế nguy cơ bị trầm cảm. 

Ngoài ra, cần tránh thực phẩm nhiều đường vì có thể làm tăng đường huyết, làm tinh thần không được ổn định, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hạn chế đồ ăn nhanh, các loại chất béo, muối và thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan