Đó là bệnh nhân COVID-19 số 1.007 được Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 công bố tối ngày 20/8.
Tối 20/8, Ban chỉ đạo quốc gia công bố bệnh nhân 1.007 mắc COVID-19. Điều đặc biệt là bệnh nhân đã có 5 lần xét nghiệm COVID-19 âm tính, đến lần thứ 6 mới cho kết quả dương tính.
Bệnh nhân 1.007 là T.Đ.C. (nam, 27 tuổi, ở phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú). Bệnh nhân là 1 trong số 219 lao động tại Guinea Xích Đạo được đoàn y tế đón về nước ngày 29/7.
Tại Guinea Xích Đạo, bệnh nhân được xác định mắc COVID-19. Khi được về cách ly tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trong thời gian 14 ngày, bệnh nhân có 3 lần xét nghiệm PRC cho kết quả âm tính và được xuất viện vào ngày 14/8.
Bệnh nhân trở về nhà ngày 15/8 tại đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú, TP.HCM), thực hiện khai báo y tế, tiếp tục cách ly tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm ngoại trú liên tiếp 30 ngày theo quy định của Sở Y tế TP.HCM.
Kết quả xét nghiệm 2 ngày 16, 17/8 đều âm tính, đến ngày 18/8, kết quả xét nghiệm của HCDC là dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân được chuyển Bệnh viện dã chiến Củ Chi để cách ly điều trị, hiện bệnh nhân không sốt, không ho, không khó thở.
Như vậy, phải đến lần xét nghiệm thứ 6 mới phát hiện bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình huống như vậy.
Đầu tiên là khi bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 nhưng virus chưa nhân lên đủ để cho kết quả dương tính. Phải cần một thời gian để kết quả xét nghiệm cho dương tính. Đây là lý do vì sao khuyến cáo người có nguy cơ nhiễm COVID-19 phải cách ly đủ 14 ngày.
Nguyên nhân thứ hai, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho rằng có thể do khi lấy mẫu không chuẩn. Theo đó, người lấy mẫu không lấy được dịch có chứa virus. Quy định hiện nay về mẫu xét nghiệm là lấy 2 loại mẫu gộp chung lại, gồm dịch hầu họng và dịch tỵ hầu.
Với dịch hầu họng, kỹ thuật viên phải quét được vùng amidan ở phía dưới họng, nếu chỉ quét ở vòm họng thì mẫu sẽ không chính xác. Tương tự, để lấy dịch tỵ hầu, cần đưa ống chọc sâu vào mũi với chiều dài khoảng 8 đến 10cm, gần với mang tai. Nếu chọc quá nông hoặc đưa chệch hướng sẽ không thể lấy được bệnh phẩm. Như vậy, nếu việc lấy bệnh phẩm sai cách, kết quả xét nghiệm chắc chắn sẽ âm tính.
Nguyên nhân cuối cùng có thể là do hóa chất và trang thiết bị xét nghiệm.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân, đặc biệt đối với những trường hợp được chỉ định xét nghiệm PCR, dù cho kết quả âm tính vẫn phải cách ly 14 ngày sau khi tiếp xúc gần với bệnh nhân.
Liên quan tới ca bệnh này, lực lượng chức năng quận Tân Phú đã phong tỏa 17 căn nhà xung quanh nhà của bệnh nhân và tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm 52 người liên quan. Hiện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã xác định được 2 người thuộc diện F1, 4 người F2.