TP.HCM kéo dài đợt cao điểm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đến hết tháng 7

TP.HCM tiếp tục kéo dài đợt cao điểm tiêm vắc-xin COVID-19 đến cuối tháng 7/2022. Sở Y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện công lập và ngoài công lập đăng ký thêm điểm tiêm để tiêm vắc-xin cho người dân.

Nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục kéo dài đợt cao điểm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 từ ngày 11/ 7 đến hết ngày 31/ 7/2022.

Ngoài điểm tiêm cộng đồng vắc-xin phòng COVID-19 hiện có tại các địa phương (trung tâm y tế, trạm y tế), các bệnh viện đa khoa thành phố, bệnh viện chuyên khoa sản, nhi, bệnh viện tuyến quận, huyện bên cạnh việc tiêm cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế, người lao động, người thân của nhân viên y tế và người bệnh đang điều trị tại đơn vị, sẽ tiếp tục là điểm tiêm cố định để thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn.

TP.HCM tiếp tục kéo dài đợt cao điểm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đến hết tháng 7/2022. Ảnh minh họa

Sở Y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện chuyên khoa công lập còn lại, bệnh viện ngoài công lập ngoài việc bên cạnh việc tiêm cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên y tế, người lao động, người thân của nhân viên y tế và người bệnh đang điều trị tại đơn vị, thì đăng ký làm điểm tiêm cố định để thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn.

Sở Y tế yêu cầu tất cả các điểm tiêm cố định (bệnh viện đa khoa thành phố, bệnh viện chuyên khoa sản, nhi, bệnh viện tuyến quận, huyện, trung tâm y tế, trạm y tế) theo danh sách đính kèm phải thực hiện tiêm tất cả các ngày trong tuần, kể cả Thứ Bảy và Chủ nhật. Các đơn vị phải thông báo lịch tiêm chủng của đơn vị bằng nhiều hình thức khác nhau để người dân được biết (treo băng rôn, dán thông báo trước cổng đơn vị; thông báo trên trang tin điện tử, trên các trang mạng xã hội của cơ sở…).

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành, do đó, việc tiêm vắc-xin là điều kiện tiên quyết để khống chế dịch. Triển khai tiêm vắc-xin COVID -19 mũi thứ 4 cần là cần thiết để phòng, chống dịch bùng phát nếu xuất hiện biển thể mới.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 11/7, Việt Nam đã tiêm được hơn 235,5 triệu liều vắc-xin COVID-19, trong đó hơn 207,7 triệu liều tiêm cho người trên 18 tuổi, gần 18,8 triệu liều cho trẻ từ 12-17 tuổi và gần 9,2 triệu liều cho trẻ từ 5-11 tuổi.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan