UBND TP.HCM, Bình Phước, Sóc Trăng là những địa phương đang triển khai quyết liệt, đồng loạt để vận động mọi người dân đi tiêm vắc xin COVID-19 mũi nhắc lại.
Trong trường hợp người dân không đồng ý tiêm vắc-xin COVID-19 mũi nhắc lại, các địa phương này yêu cầu người dân phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh. Các địa phương tổng hợp số lượng người dân không đồng ý tiêm.
'Việc ký cam kết trách nhiệm các bên là cần thiết'
Liên quan tới vấn đề này, chiều 27/6, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, việc tiêm vắc xin COVID-19 là yêu cầu của phòng chống dịch COVID-19. Mỗi người dân cần đi tiêm đúng lịch để góp phần đẩy lùi dịch COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc-xin phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn 3309/BYT-DP ngày 23/6/2022 về việc tiêm nhắc mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và cho trẻ từ 12-17 tuổi (tiêm nhắc mũi 3). Hiện nay, đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai lịch tiêm nhắc vắc-xin phòng COVID-19 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
“Việc một số địa phương đề nghị người dân cam kết thể hiện trách nhiệm, vai trò cao hơn nữa công tác phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới và tiếp theo khi xuất hiện các biến chủng mới. Việc ký cam kết trách nhiệm các bên là cần thiết”, ông Lân khẳng định.
GS Lân cũng thông tin Việt Nam đã có sự xâm nhập của biến thể BA 5 - biến thể mới của chủng Omicron.
Xuất hiện tâm lý người dân chủ quan
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: “Hiện có tình trạng nhiều người dân đã mắc COVID-19 không đồng ý tiêm các mũi vắc-xin tiếp theo do nghĩ đã có miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết...
Ở một số nơi, một số điểm tiêm chủng, lọ vắc-xin đã mở ra rồi nhưng người dân không đến tiêm hoặc khi cán bộ đến đưa giấy mời đi tiêm thì người dân từ chối. Nhiều người vẫn chưa xác định được tầm quan trọng của tiêm vắc-xin phòng bệnh, chưa hình dung được đầy đủ thông tin về việc miễn dịch sau mắc COVID-19 là không bền vững và vẫn cần phải tiêm nhắc lại. Đây là điều thách thức rất lớn trong việc bao phủ các mũi tiêm để hướng tới cộng động có miễn dịch cao nhất”.
Thời gian qua, ngành y tế các cấp đang nỗ lực, cố gắng hoàn thành mục tiêu triển khai tiêm nhắc lần 1 (mũi 3) đồng thời với triển khai tiêm nhắc lần 2 (mũi 4) từ tháng 5/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tại các điểm tiêm chủng luôn đảm bảo có vắc-xin COVID-19. Ngành y tế tại các địa phương đã nỗ lực đưa vắc-xin đến gần với người dân. Người đi tiêm chủng có thể tiếp cận vắc-xin ở các điểm tiêm chủng tại trạm y tế, các điểm tiêm chủng lưu động (tại trường học, nhà máy, thôn bản…) và tiêm chủng tại nhà để đảm bảo độ bao phủ mũi tiêm nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc-xin phòng COVID-19.
Có những điểm tiêm chủng mở 24/7, thuận tiện cho người dân đến tiêm chủng, nhất là khi người dân đã quay trở lại đi làm, đi học. Đồng thời, ngành y tế và chính quyền các cấp cũng đã nỗ lực truyền thông vận động người dân đi tiêm chủng mũi nhắc lại.
Tuy nhiên, cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, cuộc sống người dân trở lại bình thường, hiện nay đã xuất hiện tâm lý người dân chủ quan, từ chối không đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại nhiều địa phương.
V.LinhBạn đang xem bài viết Vì sao người dân không tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 3, 4 phải viết cam kết? tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].