TP.HCM: Lượng người tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tăng vọt sau khi phát hiện ca mắc biến thể BA.4, BA.5

Chỉ trong 1 ngày (ngày 6/7) đã có hơn 76.000 người dân ở TP.HCM đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19, cao gần gấp 10 lần so với những ngày trước đó.

1 ngày có hơn 76.000 người đi tiêm 

Theo Sở Y tế TP.HCM, chỉ riêng trong ngày 6/7, đã có hơn 76.000 người dân đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại các điểm tiêm trên địa bàn TP.HCM.

Con số này cao gần gấp 10 lần nếu so sánh với thời gian trước khi ngành y tế Thành phố mở đợt cao điểm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 (trước ngày 13/6/2022, trung bình mỗi ngày chỉ có 4.000 – 8.000 lượt tiêm).

Trong đó mũi 1 chiếm 5,5%, mũi 2 chiếm 3,6%, mũi bổ sung 0,02%, mũi nhắc lần 1 (18,6%). Đặc biệt, số lượt người dân đến tiêm mũi nhắc lần 2 vắc-xin phòng COVID-19 chiếm tỷ lệ cao nhất là 72,3% (55.356 người), tăng gấp 3,8 lần so với ngày trước đó 5/7/2022 (14.720 người).

  Số người đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở TP.HCM tăng vọt sau khi xuất hiện ca mắc biến thể mới. Ảnh minh họa

Số người đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 ở TP.HCM tăng vọt sau khi xuất hiện ca mắc biến thể mới. Ảnh minh họa

Tính đến hết ngày 6/7, TP.HCM đã tiêm tổng cộng 21.713.361 mũi vắc-xin phòng COVID-19. Cụ thể, mũi 1 là 8.499.172; mũi 2 là 7.553.886; 685.248 mũi bổ sung và 4.408.042 mũi nhắc lần 1; 567.013 mũi nhắc lần 2.

Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cung ứng kip thời vắc-xin phòng COVID-19 cho các đơn vị thực hiện tiêm chủng. Đồng thời, giao các bệnh viện và Trung tâm y tế đảm bảo tăng cường các đội tiêm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng ngày càng tăng của người dân thành phố.

Được biết, số người đi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tăng cao sau khi Viện Pasteur TP.HCM công bố phát hiện 2 ca nhiễm biến thể phụ BA.4 và 1 ca nhiễm biến thể phụ BA.5 tại TP.HCM.

Biến thể BA.4, BA.5 nguy hiểm thế nào?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) biến thể Omicron BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát khỏi sự bảo vệ của hệ thống miễn dịch khi nồng độ kháng thể trung hòa trong máu hạ thấp theo thời gian, kể cả ở những người đã từng mắc các biến thể BA.1, BA.2 cũng như mắc biến chủng delta trước đó. Tuy nhiên đa số các dữ liệu lâm sàng đều cho thấy việc đã tiêm vắc-xin có thể ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và cũng như ngăn việc cần nhập viện điều trị.

Hệ thống giám sát dịch của Ngành Y tế TP.HCM cũng cho thấy số ca mắc mới có xu hướng tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, có ngày có trên 50 ca mắc mới (trước đây số ca mắc mới đã giảm sâu dưới 30 ca mắc mới/ngày), mặc dù số ca nhập viện và số ca nặng chưa có dấu hiệu tăng rõ.

Ngành y tế thành phố đã sẵn sàng các kịch bản để thu dung điều trị các trường hợp F0 trong thời gian tới. Việc quản lý F0 tại nhà do trạm y tế phường, xã, thị trấn đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số. Tiếp trục tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ.

Tất cả các BV trên địa bàn TP.HCM hiện nay đều thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa điều trị người mắc COVID-19 có các bệnh lý cấp/mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo tại các khoa/đơn vị điều trị COVID-19.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính