Ai đã từng uống bia hơi hẳn sẽ vẫn nhớ chiếc cốc rẻ tiền màu xanh với những bọt khí còn sót lại đầy trong nó. Chiếc cốc cứ đi bên bia hơi ngày này qua ngày khác, từ thuở còn xếp hàng mua bia bằng tem phiếu cho đến giờ khi bia đã có thể uống cả ‘bom’ mà chẳng cần chờ đợi.
Có lẽ những người ‘nghiện’ cái món bia hơi nhất cũng ít khi biết được những chiếc cốc mình đang uống được sản xuất từ đâu.
Ngược về phía Nam hơn một trăm cây số về tỉnh Nam Định nơi có làng nghề thủy tinh Xối Trì (xã Nam Thanh), đó là nơi những chiếc cốc xanh rẻ tiền được sinh ra bởi bàn tay khéo léo của những thợ thủ công lành nghề.
Ở đây, chủ lò cũng như thợ đều làm việc hết công suất suốt 12 tiếng một ngày, chia làm hai ca. Trước đây, người làng Xối Trì còn thổi đủ loại thủy tinh như bóng đèn, bể cảnh…, cuộc sống cũng gọi là đầy đủ.
Nhưng rồi thời huy hoàng của thủy tinh thủ công cũng biến mất, thủy tinh Trung Quốc rẻ hơn, mẫu mã cũng đa dạng dần chiếm lĩnh thị trường, thứ còn lại để người dân tiếp tục giữ nghề chỉ là chiếc cốc uống bia rẻ tiền và mẫu mã không đẹp.
Từ làng nghề thủy tinh thì nay cả Xối Trì chỉ còn được ba hộ gia đình theo nghiệp.
Những chiếc cốc được nấu từ thủy tinh phế liệu được mua từ các vùng lân cận với giá khoảng 1000-2000 đồng/kg, sau đó phân loại màu sắc rồi được đập nhỏ và rửa sạch trước khi đưa vào lò.
Công việc 'sơ chế' nguyên liệu này thường được dành cho phụ nữ, nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khi những mảnh thủy tinh vỡ bắn vào mắt hoặc làm đứt tay chân.
Công đoạn cho thủy tinh vào lò vẫn được làm bằng tay, những người thợ xúc mảnh thủy tinh và đổ trực tiếp qua cửa lò.
Quá trình luyện thủy tinh mất 6 tiếng, trong thời gian đó, than đá liên tục được đưa vào giữ nhiệt độ lò khoảng 1800 độ C để đảm bảo thủy tinh nóng chảy đủ chất lượng
Sau 6 giờ đồng hồ trong lò, thủy tinh nóng chảy được người thợ dùng một chiếc ống thổi dài khoảng 1,5m lấy ra một lượng vừa đủ và dùng hơi thổi trực tiếp vào ống để tạo ra những sản phẩm có khuôn hình sẵn.
Quá trình này trông tưởng chứng rất dễ những lại đòi hỏi người thợ phải đạt trình độ rất cao, hơi thổi phải đều đặn sao cho thủy tinh giãn ra vừa đúng bằng chiếc cốc.
'Sai một li đi một dặm' những chiếc bị hỏng khi thổi được bỏ đi và chờ lần nấu chảy tiếp theo.
Những chiếc cốc sau khi thôi được cắt mép cẩn thận bằng một chiếc bếp ga chuyên dụng, người thợ ngồi bên chiếc bếp với nhiệt độ rất cao được ưu tiên sử hai chiếc quạt để làm mát.
Chiếc bếp duy trì cốc ở nhiệt độ nóng chảy nhất định để mép được định hình cho hết sắc cạnh, miệng cốc được bo tròn sau đó đưa ra ngoài ủ tro. Công đoạn ủ tro giúp cốc hạ nhiệt từ từ tránh bị nứt vỡ.
Khách từ Hà Nội vẫn về đặt mua đều đều, mỗi ngày trung bình một lò làm được khoảng 2000 chiếc cốc, với giá khoảng 5000 đồng một chiếc.
Chiếc cốc rẻ tiền thứ chẳng ai muốn làm thành ra thủy tinh Xối Trì vẫn theo và có được chỗ đứng.
Những chiếc cốc không bóng bẩy nhưng lại gần gũi thân thương với người dân khắp nơi, nhiều khách uống bia còn cho rằng uống bia trong chiếc cốc làm ở Xối Trì ngon hơn, thú vị hơn những chiếc cốc kiểu mới bây giờ.
Đứng trong xưởng sản xuất cốc tưởng tượng như một chiếc 'lò bát quái', khí nóng hầm hập phả ra từ chiếc lò đun có thể khiến những người bên nó khó thở và choáng váng.
Nhưng những người thợ thủ công ở đây đã sống bên nó suốt hàng chục năm từ đời này qua đời khác.
Cuộc sống của họ là những tháng ngày mưu sinh bên chảo lửa để thổi lên những chiếc cốc đã trở thành huyền thoại của những cửa hàng bia hơi ở khắp mọi nơi.