Thẩm mỹ viện lừa đảo: Ham thẩm mỹ giá rẻ, bị hỏng mặt mũi vì chất làm đầy, filler 'dỏm'

Cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng hay dùng chiêu giảm giá để làm khách hàng chú ý. Nhưng giá rẻ thường đi kèm là chất lượng kém và không ít chị em sập bẫy chiêu trò quảng cáo giá rẻ và nhận phải cái kết đắng.

Gia Đình Mới đăng tải loạt bài viết về Thẩm Mỹ Viện Lừa Đảo, mời bạn đọc theo dõi chuyên đề TẠI ĐÂY

Nhiều cô gái bị hoại tử mũi chỉ vì ham phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ

Hoại tử, hỏng mũi vì tiêm chất làm đầy, filler 

Cô gái trẻ Nguyễn Tuyết Nhung (28 tuổi, ở Đan Phượng, Hà Nội) đang làm nhân viên hành chính tại một công ty tư vấn xuất khẩu lao động Nhật Bản vì muốn có gương mặt căng trẻ, xinh đẹp trong dịp tết đã nghe theo người quen giới thiệu để tiêm chất làm đầy vào mặt.

Người quen của Nhung quảng cáo phương pháp này không gây đau, da căng đẹp tự nhiên. Hơn nữa, chất tiêm vào mặt là mỡ nhân tạo nên cơ thể nhanh thích nghi, nhìn sẽ rất tự nhiên.

Đặc biệt, trong dịp khai trương spa, lại là chỗ quen biết nên Tuyết Nhung sẽ được tiêm chất làm đầy với giá cực kỳ ưu đãi.

Nhưng sau một tuần tiêm chất làm đầy tại cơ sở làm đẹp của người quen, mặt Tuyết Nhung biến dạng, sưng đau, mặt xuất hiện các vệt thâm tím làm cô trở nên xấu xí, già đi. Mỗi lần đi làm vì sợ đồng nghiệp biết chuyện mình đi làm đẹp bị hỏng Nhung thường phải đeo khẩu trang che mặt và nói dối đang bị bệnh.

Nhưng rồi, tình trạng của Nhung ngày càng diễn biến nặng nề hơn, cô đến gặp bác sĩ và được hút ra từ má nhiều dịch máu mủ kèm với chất làm đầy không rõ nguồn gốc đã được tiêm vào mặt trước đó.

Không chỉ riêng Nhung mà Đỗ Thị Minh, cô gái 23 tuổi, ở Hà Nội cũng gặp phải biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy để nâng mũi.

Minh sinh ra đã sở hữu một chiếc mũi gãy và có phần hơi hếch. Vì tự ti với nhan sắc nên Minh luôn tìm kiếm phương pháp thẩm mỹ hiệu quả mà “giá hạt dẻ” để cải thiện nhược điểm trên khuôn mặt.

Nghe theo lời giới thiệu của một người bạn, Minh tìm đến một cơ sở spa ở Hà Nội để tiến hành nâng mũi trong một đợt giảm giá với lời mời chào “nâng mũi giá rẻ, an toàn và chất lượng”.

Sau khi nghe tư vấn của nhân viên spa, Minh đã chọn phương pháp tiêm chất làm đầy (filler). Tuy nhiên, sau 5 ngày tiêm chất làm đầy mũi, Minh đã phải vào viện điều trị vì mũi xuất hiện nhiều ổ mủ, có dấu hiệu hoại tử.

ThS.BS Cao Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt – Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, trường hợp các cô gái trẻ kể trên bị biến chứng khi đi làm đẹp chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp chị em nhận phải cái kết đắng vì ham thẩm mỹ giá rẻ.

“Cách đây không lâu, bệnh viện tôi cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nữ nâng mũi bằng phương pháp bọc sụn nhân tạo megardem với giá rẻ và bị hoại tử, thủng đầu mũi.

Khi bệnh nhân đến viện điều trị, chúng tôi phải mổ bỏ sụn mũi và megaderm. Vệ sinh làm sạch tối đa, sau đó về nhà chăm sóc vết mổ cẩn thận, uống thuốc kháng sinh liều cao và hẹn ngoài 3 đến 6 tháng quay lại để sửa” – Bác sĩ Ngọc Duy chia sẻ.

Bác sĩ Cao Ngọc Duy thực hiện phẫu thuật mũi cho bệnh nhân

Nói về phương pháp làm đẹp này, bác sĩ Cao Ngọc Duy cho biết thêm: “Megaderm là một màng nhân tạo dùng để thay thế sụn tai bọc vùng đầu mũi và sống mũi, để làm dày dặn đầu mũi tăng cường bảo vệ đầu mũi.

Vì là màng nhân tạo và cách dùng của megaderm hơi đặc biệt là ngâm nước ấm trước khi sử dụng. Vậy nên các công đoạn phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối, cũng như nước dùng để ngâm megaderm cũng phải là nước muối truyền được làm ấm (chai dịch truyền vô trùng).

Quy trình đòi hỏi ngặt nghèo nhưng thực tế hiện nay nhiều cơ sở làm đẹp như spa, quán cắt tóc gội đầu, thẩm mỹ viện không có chức năng thực hiện các thủ thuật xâm lấn lại hoạt động như các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép, gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Thẩm mỹ viện, spa vi phạm quy định, làm quá phạm vi cho phép

Theo quy định, các cơ sở làm đẹp như spa, thẩm mỹ viện chỉ được thực hiện các dịch vụ về chăm sóc da, không được thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn, gây chảy máu. Còn các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được phép thực hiện các thủ thuật xâm lấn như nhấn mí, xăm mắt, xăm mày, xăm môi, nâng mũi, chỉnh cằm, thu hẹp cánh mũi…

Và để được cấp phép mở và hoạt động phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ cần phải là bác sĩ được đào tạo chính quy đứng tên và có chứng chỉ hành nghề của Sở y tế hoặc Bộ y tế cấp phép về đúng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Đồng thời phải có thời gian công tác và hoạt động chuyên môn theo đúng chuyên ngành ít nhất 54 tháng mới được cấp phép hoạt động và hành nghề, chứ không hề đơn giản như mọi người nghĩ.

Khi đi vào hoạt động, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ đều phải công khai số giấy phép cũng như tên bác sĩ phụ trách và được các các cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên, nên rất đảm bảo quy chuẩn.

Trong khi đó, những cơ sở làm đẹp kém chất lượng hoạt động chui sẽ không có bác sĩ phụ trách, không có giấy phép hành nghề và hay dùng chiêu giảm giá để làm khách hàng chú ý.

Lựa chọn cơ sở làm đẹp như thế nào?

Để tránh gặp phải những biến chứng, ThS.BS Cao Ngọc Duy đưa ra lời khuyên, làm đẹp là nhu cầu tất yếu, nhưng các chị em cũng cần phải làm đẹp an toàn và có khoa học.

Nên làm đẹp ở những cơ sở được các cơ quan chức năng cấp phép, có bác sĩ thường trực thì sẽ tốt hơn. Bởi, nếu có gặp sự cố thì sẽ được giải quyết một cách kịp thời, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Khi lựa chọn phương pháp làm đẹp bằng cách tiêm chất làm đầy filler, chị em cũng cần lựa chọn các sản phẩm chính hãng, tránh ham hàng rẻ tiền để rồi tiền mất tật mang. Thường những filler chính hãng thì có tem đảm đảo, tem chống hàng giả và được kiểm định bởi các cơ quan chức năng.

Sau khi tiến hành thẩm mỹ, chị em cũng cần chú ý đến các biểu hiện sưng tấy đỏ, sau 10 ngày không đỡ hoặc chảy dịch vết mổ thì đó là biểu hiện của nhiễm trùng. Khi đó cần đến bệnh viện để điều trị sớm để tránh xảy ra hoại tử, để lại sẹo, biến dạng khu vực làm thẩm mỹ.

Gia Đình Mới đăng tải loạt bài viết về Thẩm Mỹ Viện Lừa Đảo, mời bạn đọc theo dõi chuyên đề TẠI ĐÂY

Xem thêm

An Bình/giadinhmoi.vn

Tin liên quan