Có không ít người tìm đến các cơ sở thẩm mỹ để làm đẹp nhưng lại không biết cơ sở đó có được thực hiện dịch vụ mà mình đang có nhu cầu hay không và dẫn đến sập bẫy các sơ sở làm đẹp chui để rồi nhận quả đắng.
Để hiểu đúng hơn về các cơ sở thẩm mỹ tư nhân hiện nay, tránh mắc lừa các cơ sở làm đẹp chui, không phép, hoạt động sai quy định, những người có nhu cầu làm đẹp cần biết về các hình thức tổ chức của cơ sở thẩm mỹ.
Căn cứ Khoản 3 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, sửa đổi điều 22 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có thể thấy có 3 hình thức tổ chức của cơ sở thẩm mỹ gồm: Khoa phẫu thuật thẩm mỹ của bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
Tuy nhiên, do tâm lý ngại đến bệnh viện nên khi có nhu cầu làm đẹp, người dân thường tìm đến các cơ sở tư nhân bên ngoài với các tên gọi phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, spa… để làm đẹp.
Chính vì không nắm rõ các điều kiện được cấp phép, chức năng hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ này nên nhiều người dân nhầm lẫn về các dịch vụ được phép làm và không được phép làm tại các cơ sở thẩm mỹ kể trên và dẫn tới tiền mất tật mang, thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng.
Tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP có bổ sung Điều 23a Nghị định số 109/2016/NĐ-CP về điều kiện chung để cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quy định có ghi, điều kiện nhân lực Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Còn Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Khoản 10 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP có bổ sung Điều 33a Nghị Định 109/2016/NĐ-CP về Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở dịch vụ y tế như sau: Thẩm mỹ thì người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
Điều 26 của Nghị Định 109 cũng quy định rõ về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa, trong đó có phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ.
Về cơ sở vật chất, phòng khám phải có địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình, bảo đảm đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa, làm vệ sinh.
Phòng khám chuyên khoa phải có phòng khám bệnh, chữa bệnh có diện tích ít nhất là 10 m2 và nơi đón tiếp người bệnh (trừ Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông).
Đối với phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải có thêm buồng lưu người bệnh có diện tích ít nhất là 12 m2.
Về nhân sự, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mà phòng khám đăng ký.
- Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng về chuyên khoa đó.
Còn đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, tại Điều 37 của Nghị Định 109 có ghi rõ điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ như sau:
1. Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Cơ sở vật chất:
- Có địa điểm cố định;
- Bảo đảm các điều kiện vệ sinh.
b) Thiết bị:
Có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
c) Nhân sự:
Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
d) Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đủ điều kiện quy định tại điểm a, b và c khoản này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Văn bản thông báo theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”, Sở Y tế chỉ cấp giấy phép hoạt động cho các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ làm các dịch vụ như: Tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ; tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai, các dịch vụ tiêm chất làm đầy, các dịch vụ phẫu thuật có ra máu…
Phòng y tế quận, huyện là cơ quan quản lý trực tiếp các cơ sở spa, thẩm mỹ viện, phòng khám hoạt động trên địa bàn. Đối với những đơn vị khi bị tố cáo vi phạm thì Sở y tế sẽ phối hợp với phòng y tế quận huyện tiến hành kiểm tra xử lý.
Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được quy định về chức năng như sau:
- Tạo má lúm đồng tiền, xóa xăm cung lông mày, nâng cung lông mày, tạo hình gò má, tạo hình cằm chẻ, cằm lẹm, sửa da ở vùng mặt, vùng cổ;
- Tạo hình mí mắt, mũi, môi, tai;
- Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể;
- Các kỹ thuật chuyên môn khác do Giám đốc Sở Y tế tỉnh phê duyệt trên cơ sở năng lực thực tế của người hành nghề và điều kiện thiết bị y tế, cơ sở vật chất của phòng khám;
- Việc phẫu thuật thẩm mỹ làm thay đổi đặc điểm nhận dạng đã được xác định trong chứng minh nhân dân chỉ được thực hiện sau khi người có yêu cầu phẫu thuật thẩm mỹ đã có đơn gửi cơ quan Công an nơi cấp chứng minh nhân dân.