Phụ nữ thường trải qua những giây phút lo lắng không rõ nguyên do. Có thể chỉ là trạng thái tâm lý trong phút chốc, nhưng cũng có thể đây là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc phải 5 căn bệnh nguy hiểm sau.
Sarah Saaman, bác sĩ tim mạch Hoa Kỳ, tác giả của cuốn ‘Thực tiễn tốt nhất cho một trái tim khỏe mạnh’ cho biết: ‘Một cảm giác lo lắng đột ngột, không giải thích được có thể là dấu hiệu của một vấn đề bất thường trong cơ thể.
Ngoài việc bạn có thể bị rối loạn lo âu (bệnh này cũng rất nguy hiểm), các triệu chứng của bạn có thể che dấu một bệnh khác'.
Các nhà nghiên cứu gần đây đã công bố một ‘danh sách không đầy đủ’ gần 50 bệnh có thể gây tâm trạng lo lắng.
Donnica Moore, chuyên gia y tế phụ nữ ở Chester, New Jersey (Hoa Kỳ) nói: ‘Đây không phải là triệu chứng chính của bệnh nhân, nhưng lo lắng vẫn có thể là một chỉ dấu quan trọng’.
Sau đây là 5 căn bệnh có triệu chứng ban đầu là ‘tâm trạng lo lắng’ - nhưng đừng để điều này thêm vào lo lắng của bạn!
Bạn có thể đơn giản chỉ bị lo lắng mãn tính và không bệnh tật gì, nhưng hãy cẩn thận kiểm tra những thông tin sau.
#1: Bệnh cường giáp trạng
Donnica Moore nói: ‘Khi một bệnh nhân không có tiền sử lo lắng bắt đầu phàn nàn về cảm giác lo lắng’ thì tôi nghĩ ngay đến kiểm tra chứng cường tuyến giáp’.
Đây là trạng thái trong đó tuyến giáp gây ra lượng hormone tuyến giáp quá mức. Cường giáp làm tăng tỷ lệ trao đổi chất của bạn, có thể dẫn đến các triệu chứng như nhịp tim nhanh, giảm cân và lo lắng.
Vấn đề thường dễ dàng chẩn đoán thông qua một xét nghiệm máu đơn giản để kiểm tra mức nội tiết tố tuyến giáp.
Nếu mắc phải căn bệnh này, cần phải điều trị với iodine phóng xạ.
Chứng tăng tuyến giáp phổ biến hơn ở phụ nữ so với nam giới, đặc biệt là trên 35 tuổi. Tỷ lệ tái phát cũng tăng trở lại sau 60 tuổi (ở nam giới và phụ nữ).
Moore nói: ‘Nhiều triệu chứng của chứng tăng năng tuyến giáp bị nhầm với dấu hiệu giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, điều này có thể làm cho khó chẩn đoán hơn.
Việc chẩn đoán đúng rất quan trọng, vì nếu không được điều trị kịp thời, một tuyến giáp hoạt động quá mức có thể gây ra các biến chứng như rối loạn tim và giòn xương’.
#2: Bệnh tim
Hiếm khi lo lắng là dấu hiệu duy nhất của bệnh tim, tuy nhiên, khi trạng thái lo lắng xuất hiện cùng với thở dốc khi gắng sức, stress, mệt mỏi quá mức… bạn chắc chắn nên đến gặp bác sĩ tim mạch.
Các nhà nghiên cứu đã xác nhận mối liên hệ giữa lo lắng và vấn đề về tim: Khi các nhà điều tra hỏi phụ nữ bị đau tim về những triệu chứng mà họ trải qua trong tháng đầu tiên, 35% cho biết cảm thấy lo lắng, căng thẳng, hơn bình thường.
Nhiều phụ nữ trong nghiên cứu cũng báo cáo mức độ mệt mỏi bất thường (70%), rối loạn giấc ngủ (48%), thở hổn hển (42%) và khó tiêu (39%).
Thật bất ngờ, dưới 30% phụ nữ bị tim mạch có triệu chứng khó chịu trong ngực, có tới 43% bệnh nhân không có triệu chứng đó trong suốt quá trình bị bệnh tim.
#3: Thiếu máu
Thiếu máu xảy ra khi bạn không có đủ hồng cầu hoặc khi hồng cầu không hoạt động bình thường. Vì các tế bào hồng cầu mang oxy, sự thiếu hụt có nghĩa là cơ thể của bạn không thể vận chuyển oxy một cách hiệu quả đến nơi nó cần.
Điều đó có thể gây ra các triệu chứng như thở dốc, nhịp tim nhanh hoặc không đều.
Đây là cảm giác giống như lúc bạn đang làm việc gì gắng sức hoặc ở trên máy bay đang điều chỉnh độ cao.
Khi ai đó bị thiếu máu đáng kể, tim phải đập nhanh hơn để đẩy máu đi các bộ phận trong cơ thể. Đây là cách tự nhiên của cơ thể đối phó, nhưng nhịp tim nhanh hơn có thể tạo ra cảm giác lo lắng.
Phụ nữ đang có kinh nguyệt hoặc mang thai và người bị bệnh mãn tính - đặc biệt là viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh tự miễn nhiễm khác, bệnh thận, ung thư, bệnh gan, bệnh tuyến giáp và bệnh viêm ruột - đều dễ bị thiếu máu.
Theo Hội Huyết học Hoa Kỳ, nguy cơ gia tăng theo độ tuổi. Hình thức thiếu máu phổ biến nhất là thiếu máu do thiếu sắt, xảy ra khi bạn không có đủ chất sắt trong máu.
#4: Sự thiếu hụt dinh dưỡng
Hiếm khi bác sĩ nghĩ đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng khi bệnh nhân trình bầy triệu chứng lo lắng, tuy nhiên đây là nguy cơ có thật.
Ví dụ, nếu thiếu kẽm, cơ thể sẽ trải qua tình trạng trầm cảm, lo lắng, suy sụp tinh thần.
Một phụ nữ trung bình cần 8 mg kẽm mỗi ngày (nam giới cần 11 mg), và giống như hầu hết các vitamin và khoáng chất, cơ thể không thể tự tạo ra kẽm được. Vì thực vật không chứa kẽm nhiều như protein động vật, thiếu kẽm là tình trạng phổ biến trong số những người ăn chay.
Những người trên 60 tuổi và những người có nhiều áp lực (stress) cũng dễ bị thiếu kẽm.
#5: Ung thư tuyến tụy
Ung thư tuyến tụy là 1 trong 5 bệnh ung thư có tỉ lệ tử vong nhiều nhất với cả nam và nữ. Như một nghiên cứu mới công bố gần đây, gần ½ những người được chẩn đoán bị ung thư tuyến tụy đã từng trải qua triệu chứng trầm cảm hoặc lo lắng không rõ nguyên do trước đó. Có 2 trường hợp thậm chí gặp phải tình trạng tinh thần hoảng loạn.
Thực ra ung thư tụy là hiếm gặp, tuy nhiên bệnh này rất khó chẩn đoán sớm, vì vậy tỉ lệ sống sót thấp.
Tuyến tụy ở sâu trong cơ thể, do đó những khối u sớm thường không thể nhìn thấy hoặc cảm thấy được. Và các triệu chứng ban đầu - bao gồm vàng da (vàng da và mắt), giảm cân, mệt mỏi, buồn nôn, đau lưng thường rất tinh tế và tiến triển dần dần.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào kể trên, có hoặc không kèm theo trạng thái lo lắng, hãy đi kiểm tra sức khỏe ngay lập tức.