Tại sao chúng ta cần sự cô đơn?

Nếu không ở một mình, ta có nguy cơ quên mất mình là ai.

Vì nền văn hoá của chúng ta quan trọng hoá tính xã hội, có thể vô cùng khó xử khi phải giải thích rằng tại một số thời điểm nhất định ta cần ở một mình đến mức nào.

Ta có thể vờ nói rằng mong muốn này là một thứ liên quan đến công việc: mọi người nhìn chung hiểu được nhu cầu hoàn thành một dự án. Nhưng trên thực tế, có một mong muốn ít được tôn trọng nhưng sâu sắc hơn đang thúc đẩy chúng ta: nếu không ở một mình, ta có nguy cơ quên mất mình là ai.

Chúng ta, những người đang ngột ngạt không có thời gian ở một mình, rất coi trọng những người khác. Ta lắng nghe kĩ những câu chuyện, ta trao mình cho người khác, ta hồi đáp bằng cảm xúc và sự đồng cảm. Nhưng kết quả là, ta không thể mãi bơi lội trong sự bầu bạn vô thời hạn. Đến một lúc nào đó, ta không thể chịu nổi thêm những cuộc trò chuyện đưa ta ra khỏi những dòng suy nghĩ của chính mình.

Những yêu cầu bên ngoài khiến ta không chú ý đến những nỗi lo âu bên trong, áp lực của sự vui vẻ hời hợt đang chối bỏ sự chính đáng của những u sầu tiềm ẩn trong lòng ta - và không chịu nổi những lẽ thường đè nén những đặc điểm khác thường và thói lạ của mình.

Ta cần được đơn độc vì cuộc sống với những người khác đi quá nhanh. Tốc độ cao không ngừng: những câu chuyện cười, những hiểu biết sâu sắc, những thú vui. Đôi khi, câu chuyện diễn ra trong 5 phút của đời sống xã giao có thể khiến ta mất 1 giờ để phân tích. Tâm trí ta có một điểm kì lạ rằng không phải mọi cảm xúc tác động đến ta đều ngay lập tức được thừa nhận, thấu hiểu, hoặc thậm chí thực sự được cảm nhận.

Sau khi dành thời gian với những người khác, có hàng vạn cảm giác tồn tại dưới dạng 'chưa xử lý' bên trong chúng ta. Có lẽ một ý tưởng khiến ta lo lắng, khởi đầu những động lực để thay đổi cuộc sống chúng ta. Có lẽ một tham vọng đầy ghen tỵ nhưng đáng được giải mã và lắng nghe để phát triển. Có thể một người nào đó đã ngầm tấn công ta bằng phi tiêu và ta chưa có cơ hội để nhận ra mình đang bị tổn thương. Ta cần một phút giây yên tĩnh để an ủi bản thân bằng cách xây dựng một lời giải thích rằng sự độc địa đó có thể đến từ đâu. Chúng ta dễ bị tổn thương và mong manh hơn mức tưởng tượng.

Bằng cách thu mình lại, trông có vẻ như ta là kẻ thù của người khác, nhưng những khoảnh khắc đơn độc của ta thực ra là cách tỏ lòng tôn kính đến sự phong phú của tồn tại trong xã hội. Trừ phi ta đã có thời gian ở một mình, ta không thể là người ta muốn trở thành quanh những con người đồng loại. Ta sẽ không có ý kiến độc đáo và đúng chất. Chúng ta sẽ không có góc nhìn sống động và nguyên bản. Ta sẽ - theo nghĩa tiêu cực - giống như mọi người khác.

Chúng ta bị cuốn hút bởi sự cô đơn không phải vì ta khinh nhân loại mà là vì ta đáp ứng đúng những gì cần thiết cho sự đồng hành cùng người khác. Những khoảng thời gian dài ở một mình thực ra có thể là điều kiện tiên quyết để biết cách trở thành người bạn tốt hơn và người yêu chu đáo.

Người dịch: Tôn Nguyễn Cát Đằng / Tâm Lý Học Tội Phạm

Nguồn: http://www.thebookoflife.org/the-need-to-be-alone/


Tin liên quan