Tại sao bác sĩ được mở phòng khám thêm mà giáo viên không được dạy thêm?

Đại biểu Quốc hội hỏi tại sao các y bác sĩ thì được mở phòng khám, làm thêm ngoài giờ mà giáo viên lại không được dạy thêm trong khi thu nhập của họ rất thấp.

Sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến 4 vấn đề của ngành Giáo dục như chất lượng của việc thực hiện đổi mới căn bản giáo dục; dạy và học trực tuyến; thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn; công tác an toàn trường học...

Một trong nội dung chất vấn của đại biểu là về vấn đề dạy thêm học thêm.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết: Bộ đã nghiêm cấm việc dạy thêm trong mùa dịch, thực tế gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời giáo viên không được dạy thêm, học thêm. Khi học trực tuyến, học sinh đã căng thẳng, việc này càng cần nghiêm cấm. Bộ đã có văn bản quy định việc dạy và học trực tuyến, trong đó quy định rõ số giờ dạy trực tuyến cho học sinh. Nếu nhà trường dạy quá giờ, các sở giáo dục, địa phương cần thanh tra, kiểm tra. Bộ GD&ĐT cũng sẽ thanh tra làm rõ vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội tranh luận với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Tại sao bác sĩ được mở phòng khám thêm mà giáo viên không được dạy thêm?

Liên quan tới vấn đề dạy thêm học thêm, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) tranh luận: Vấn đề quản lý việc dạy thêm, học thêm chưa giải quyết được căn nguyên vấn đề.

Những năm qua, vấn đề này đã có chủ trương cấm, nhưng với việc dạy thêm học thêm, cách quản lý ở đây không nên có tư duy cũ là cái gì không quản được thì cấm.

Chúng ta cần nhìn nhân việc dạy thêm học thêm cũng có ý nghĩa, tác dụng như thế nào trong đời sống, cũng như nhu cầu thực tiễn của phụ huynh.

"Con em chúng tôi học hành thành đạt một phần cũng nhờ đi học thêm, như vậy cho thấy việc dạy thêm học thêm cũng có ý nghĩa của nó. Tại sao y bác sĩ ngành y được làm thêm, mở phòng khám riêng mà các thầy cô ngành giáo dục lại không được dạy thêm? Tôi nhận thấy, việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ thu nhập đời sống của giáo viên quá thấp, nhiều thầy cô coi dạy thêm là cách mưu sinh. Do đó, tôi mong ngành sẽ nhìn thẳng vào việc này để có giải pháp căn cơ hơn cho việc này" - đại biểu Long nêu quan điểm.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã có quy định cụ thể về dạy thêm học thêm. Nếu việc dạy thêm đáp ứng các nhu cầu đặt ra thì không cấm được. Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thông tư 17 quy định dạy thêm, học thêm, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, như vậy mới điều tiết được. Nhưng Luật Đầu tư năm 2016 lại bỏ ra, nên thông tư của bộ có nhiều điều không còn hiệu lực. Bộ GD&ĐT đang đề nghị bổ sung quy định này trong Luật Đầu tư.

Còn với các trường hợp giáo viên đang đứng lớp giảng dạy lại cắt bớt phần dạy trên lớp để phục vụ cho việc dạy thêm, ép học sinh đi học thêm, dạy trước chương trình thì mới lên án và đã có quy định cấm.

Sáng nay 11/11, có 47 câu hỏi của đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về các vấn đề:

 - Đảm bảo chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19.

 - Dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền. Việc giảm tải chương trình cho học sinh.

 - Phương án thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 - Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan