Báo Điện tử Gia đình Mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018: Giáo viên chưa biết dạy tích hợp ra sao?

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên lớp 6 học sách giáo mới và có những bộ môn mới.: Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; Nghệ thuật. Theo ghi nhận của PV tại Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, nhiều trường THCS vẫn thấy lúng túng.

Năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 sẽ chính thức học sách giáo khoa mới. Chương trình giáo dục phổ thông mới đối mới lớp 6 cũng có sự thay đổi khi có 3 môn tích hợp: Khoa học Tự nhiên (tích hợp 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); Lịch sử và Địa lý (tích hợp từ môn Lịch sử và Địa lý); Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật).

Đây là năm đầu tiên triển khai cách dạy môn tích hợp nên giáo viên ở một số trường của Hà Nội cho biết trong thời gian này khá lúng túng trong việc hình dung để thực hiện chương trình.

Thứ nhất là lúng túng về phân công giáo viên dạy?

Thầy Đỗ Danh Khanh - Hiệu trưởng trường THCS Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho rằng, các môn học tích hợp trong năm học tới là tích hợp cơ học. Về bản chất là ghép môn này với môn kia. Sách Khoa học Tự nhiên với những mạch chủ đề vẫn thể hiện rõ ràng đó là nội dung riêng biệt của môn Hóa, môn Lý và môn Sinh. Trong cùng quyển sách Lịch sử và Địa lý vẫn rõ 2 phần nội dung Lịch sử riêng, Địa lý riêng.

Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc dạy học môn này nhưng tôi nghĩ giáo viên của phân môn nào sẽ vẫn dạy chủ đề của phân môn đó. Tuy nhiên việc phân công dạy học cho giáo viên dạy môn Tích hợp như thế nào cũng là bài toán khó?

Ví dụ môn Khoa học Tự nhiên với tuần tự các bài học trong sách giáo khoa: chủ đề 1,2,3 có nội dung về Vật Lý, chủ đề 4,5,6 có nội dung Hóa học, chủ đề 7,8,9 có nội dung Sinh học. Nếu dạy theo tuần tự của chương trình SGK hết chủ đề Lý sang chủ đề Hóa rồi tới chủ đề Sinh thì sẽ dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên vì không thể đủ giáo viên bộ môn dạy liền các lớp.  

Thầy Khanh cũng băn khoăn, nội dung các môn học Khoa học tự nhiên hoặc Lịch sử và Địa lý được thiết kế theo từng mạch nội dung Vật lý, Hóa học, Sinh học, giáo viên đang dạy từng môn có thể dạy các bài học với kiến thức được đào tạo của mình một cách thuận lợi.

Nhưng với các chủ đề tích hợp (biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên...), nhà trường phải lựa chọn giáo viên, phân công giáo viên dạy như thế nào?

  Giáo viên lúng túng trước việc dạy các môn tích hợp lớp 6 năm học tới.

Giáo viên lúng túng trước việc dạy các môn tích hợp lớp 6 năm học tới.

Bên cạnh đó, đội ngũ GV hiện nay được đào tạo và đã quen với cách dạy riêng rẽ từng môn học. Trong khi đó, cơ sở vật chất của nhiều trường phổ thông còn hạn chế dẫn đến hạn chế trong đổi mới phương pháp dạy học. Hình thức quản lý nhà trường, hoạt động chuyên môn của GV cũng đã quen với quản lý tách biệt các môn.

Thứ hai là lúng túng trong việc xếp thời khóa biểu?

Các thầy cô giáo đều nhận định việc tích hợp như trong năm học sắp tới sẽ rất khó khăn cho việc xếp thời khóa biểu.

Cô giáo Trường Thị Liên (Hiệu trưởng trường THCS Văn Yên, quận Hà Đông) lo lắng: "Xếp thời khóa biểu trong năm học là một việc khá phức tạp phải dựa trên nguyên tắc phù hợp với năng lực chú ý, sức khỏe của học sinh, vừa phải căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, số phòng học chức năng, số lượng giáo viên từng bộ môn, thậm chí còn phải lưu ý tới hoàn cảnh như nuôi con nhỏ, nhà ở xa…

Xếp thời khóa biểu của một chương trình đồng nhất đã khó, năm học tới việc xếp thời khóa biểu theo 2 chương trình cũ - mới của 4 khối lớp chắc chắn sẽ rất khó khăn.

Vì giáo viên dạy tích hợp lớp 6 nhưng vẫn dạy cả lớp 7,8,9 theo chương trình cũ. Mà môn tích hợp lại phải đổi thời khóa biểu liên tục, dẫn tới thay đổi thời khóa biểu của toàn trường. Việc thay đổi thời khóa biểu liên tục không chỉ khiến giáo viên áp lực mà còn khiến học sinh bị động.

Thứ ba là việc soạn giáo án, chuẩn bị trang thiết bị và cách tổ chức dạy học đạt hiệu quả?

Khó khăn nữa trong dạy tích hợp là về soạn giáo án, chuẩn bị và tổ chức dạy học.

"Giáo viên vừa soạn theo chương trình cũ, vừa phải soạn theo chương trình mới. Mà giáo án theo chương trình mới soạn khác nhiều so với chương trình cũ với những yêu cầu mới, điều đó cũng sẽ tạo áp lực cho giáo viên bởi thời gian lên lớp đã rất căng thẳng, nay lại thêm việc soạn giáo án phức tạp hơn trước" - cô giáo Đặng Thị Thanh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) lo lắng.

Theo chương trình giáo dục mới, dạy phát triển năng lực của học sinh thì liên quan tới kỹ năng của học sinh nhiều, chứ không dừng lại ở kiến thức hàn lâm.

Để dạy được học sinh phát triển năng lực bên cạnh yếu tố học sinh thì cũng đòi hỏi người thầy phải tìm tòi, phải chuẩn bị kỹ càng về trang thiết bị và phải tổ chức dạy học tốt mới đạt hiệu quả.

Lúng túng thứ 4 là về đánh giá, chấm điểm môn học?

Khoa học tự nhiên chỉ có duy nhất một điểm trung bình bộ môn, lại do 3 giáo viên dạy, mỗi giáo viên lại có một sổ điểm đánh giá riêng biệt.

Vậy thì có một môn học mà 3 giáo viên dạy, 3 quyển sổ điểm, 3 kế hoạch giảng dạy (giáo án) khác nhau, giáo viên nào chịu trách nhiệm cộng điểm của 3 môn cho học sinh, giáo viên nào chịu trách nhiệm đưa điểm lên phần mềm? Giáo viên nào chịu trách nhiệm về chất lượng môn học? Theo thầy Khanh, cần làm rõ khâu này để giáo viên thực hiện đúng nhiệm vụ trong quá trình giảng dạy.

Cho tới thời điểm hiện tại, SGK mới đã "trình làng", hơn 50% tỉnh, thành phố cũng đã chọn SGK mới lớp 6 để dạy trong năm học mới.

Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cùng với Sở GD&ĐT các địa phương cần đẩy nhanh công tác tập huấn cụ thể, hướng dẫn chi tiết để các trường có cơ sở triển khai việc dạy học các môn tích hợp, tạo tâm lý yên tâm cho cả giáo viên lần học sinh.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO