Sau vài phút bị sứa tấn công khi tắm biển, toàn bộ vùng mặt, cổ, lưng của bệnh nhân bị sưng lên, phù nề, đau buốt và phải vào viện điều trị.
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị sứa tấn công sau khi đi tắm biển về.
Tình trạng chung mà 2 bệnh nhân gặp phải là khi đi tắm biển bị sứa đốt gây đau nhói. Sau đó vùng da bị đốt bắt đầu nổi các nốt mụn nước, ngứa, rát khó chịu. Thậm chí có bệnh nhân chỉ sau vài phút bị sứa biển đốt, toàn bộ vùng mặt, cổ, lưng của bệnh nhân bị sưng lên, phù nề, đau buốt và phải vào viện điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, khi đi tắm biển, sứa có thể quấn vào hoặc tấn công người. Khi sứa đốt, nó phóng ra hàng ngàn gai cực nhỏ cắm vào da và giải phóng chất độc.
Đây là nguyên nhân của tình trạng xuất hiện các nốt mẩn đỏ trên da. Thông thường, vết đốt bị ngứa, rát, phỏng nước nhưng cũng có những vết đốt gây ra những triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn hoặc tim đập nhanh.
Để tránh những triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, khi bị sứa đốt, người dân nên bình tĩnh, tuyệt đối không gãi vào vùng bị đốt hoặc chạm tay vào. Đồng thời, nên dùng nước muối để rửa vết thương, hoặc ngâm mình trong nước biển sẽ không bị tổn thương nặng nề như những trường hợp chạy thẳng lên bờ rồi tắm tráng. Tuyệt đối không dùng nước uống, hoặc nước ngọt tắm tráng để rửa vết sứa đốt vì có thể làm tăng sự phóng độc, gây rát buốt.
Bên cạnh đó, người dân có thể làm dịu cơn đau bằng giấm, nước chanh tươi, vắt nước vào vết ngứa. Nếu quá khó chịu, hoặc kèm thêm các triệu chứng như: Nổi mẩn nhiều, đau rát hoặc khó thở hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Người dân khi đi tắm biển không chỉ gặp tình trạng sứa tấn công, mà mới đây trên một số diễn đàn và trang mạng xã hội cũng đưa ra những cảnh báo người dân chú ý sự tấn công của sâu róm biển (một số nơi gọi là rết biển).
Theo các chuyên gia da liễu, người dân khi tiếp xúc với loài sâu róm biển có thể bị viêm da tiếp xúc.
Nguyên nhân là do những động vật này được trang bị cơ chế phòng vệ tự nhiên gồm các tua lông dài bên ngoài thân mình, một số có ngoàm hàm giúp chúng bắt giữ các con mồi và sau đó giết chết con mồi bằng cách tiết ra một số dịch hóa chất gây độc.
Khi con người tiếp xúc với chúng, các lông cứng găm vào da gây nên những triệu chứng như đau rát, đỏ da, ngứa nhiều và phù nề, đôi khi có thể gây mất cảm giác vùng bị tác động.
Các triệu chứng thường tồn tại trong vòng một vài giờ và thực tế không cần sử dụng đến thuốc. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này khiến người tiếp xúc với sâu biển khó chịu thì có thể sử dụng một số biện pháp như chườm lạnh, sử dụng kem chứa những thành phần làm dịu da. Cách tốt nhất là hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu nếu như có những vấn đề bất thường xảy ra.
Động vật này thực tế không tấn công người nhưng khi vô tình chạm phải thì có thể gây ra một số phản ứng nêu trên. Cho nên cách tốt nhất để không bị dính độc sâu róm biển là cẩn thận chú ý khi đi trên cát, tránh dẫm phải chúng.
Nếu lỡ vô tình chạm phải thì cách tốt nhất là rửa thật nhanh bằng nước sạch, đồng thời hạn chế gãi, tránh độc lọt vào sâu hơn. Với những loài có lông tơ cứng thì cần quan sát xem có những sợi lông găm vào da hay không, nếu có có thể sử dụng băng dán cá nhân để loại bỏ chúng một cách nhẹ nhàng. Ngoài ra, cũng cần chú ý không để trẻ con tò mò cầm nắm, bắt chúng.