Sau những ca mổ kéo dài nhiều giờ, dù rất mệt mỏi nhưng các bác sĩ vẫn phải tranh thủ từng phút đuổi theo giành giật sự sống cho người bệnh từ tay tử thần
Bác sĩ kiệt sức là chuyện cơm bữa
Chỉ dành được một khoảng thời gian ngắn để chia sẻ với Gia Đình Mới ngay ở khoảng giữa của các ca phẫu thuật, PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng – TSM, Trưởng khoa Khám bệnh tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức kể:
"Với một bác sĩ ngoại khoa như tôi, thông thường, thời gian một cuộc mổ sẽ tùy theo tình trạng sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, cuộc mổ đơn giản nhất cũng kéo dài khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ.
Những ca phẫu thuật phức tạp kéo dài hàng chục giờ đồng hồ thường xuyên xảy ra. Vậy nên, khoảng thời gian để chúng tôi ăn uống, nghỉ ngơi đảm bảo điều độ như những người bình thường khác là không có.
Tôi thường mổ qua trưa, sau khi sắp xếp được cho bệnh nhân tôi mới bắt đầu ăn. Và có không ít lần tôi cùng đồng nghiệp nhịn đói trong phòng mổ. Sợ kiệt sức trong lúc phẫu thuật sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh chúng tôi phải nhờ người đưa sữa lên miệng để uống cầm cự trong lúc làm.
Sau những ca mổ kéo dài nhiều giờ chúng tôi rất mệt mỏi, nhưng còn nhiều bệnh nhân đang chờ chúng tôi cứu sống nên thời gian nghỉ ngơi sẽ không có và phải tranh thủ từng phút đuổi theo giành giật sự sống cho người bệnh từ tay tử thần» - PGS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ.
Trong câu chuyện của mình, bác sĩ Hùng có nhắc đến 2 điều mà những người làm nghề y luôn ghi nhớ, đó là đã theo nghề rồi thì có thể tử vì nghề; và nghề y là cái nghiệp của người thầy thuốc – nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng cái nghề của mình.
Đặc biệt, đối với các bác sĩ cấp cứu, bác sĩ phẫu thuật ngoại khoa, công việc của họ càng khó khăn và khắc nghiệt.
Bát bún lạnh trong ca trực đêm
Cùng tâm trạng đó, bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cũng tâm sự: "Để trở thành bác sĩ phải trải qua hành trình học hành thi cử gian nan, những đêm trực triền miên để giành giật mạng sống bệnh nhân với tử thần.
Hình ảnh ghim vào đầu bác sĩ trẻ này là có lần đi trực đêm, bệnh nhân đông đến độ phải trải chiếu ra để ngồi. Bác sĩ méo mặt, thần kinh căng như dây đàn, không có thời gian để ăn uống.
"Bát bún cá của tôi trong nhiệt độ mùa đông, để trên bàn từ 18 giờ, đến 0 giờ mới mò vào phòng ăn bữa tối, và thế là tôi có món bún lạnh"- anh nhớ lại.
Công việc của các thầy thuốc khó khăn, khắc nghiệt là thế nhưng nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đâu hiểu...
Bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai kể: "Một cậu em đồng nghiệp ở bệnh viện tuyến dưới vừa than với mình rằng, anh ơi hôm qua em bị người nhà bệnh nhân chửi mắng oan uổng.
Họ mắng rằng "Lũ bác sĩ chúng mày quá là ác, không có tính người, bọn hút máu, đồ máu lạnh. Bố tao tới bệnh viện trong tình trạng cấp cứu, ông cần thở nhiều oxy mà chúng mày không cho thở. Giờ ông phải nằm đó thở máy là do lỗi của chúng mày".
Thấy lạ, BS Chính hỏi lại ngọn ngành câu chuyện thì cậu ấy cho hay: "Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã lâu, phải thở oxy tại nhà. Hôm qua, bệnh nhân vào viện vì suy hô hấp do mệt cơ. Sau khi đánh giá, em cho bệnh nhân thở oxy liều thấp, khí dung và sẵn sàng đặt ống nội khí quản và thở máy cho bệnh nhân.
Khi em đang loay hoay làm xét nghiệm khí máu cho bệnh nhân, người con trai của bệnh nhân đã vặn van oxy để tăng liều oxy cho bệnh nhân thở. Em không để ý thấy, khi đi lấy kết quả xét nghiệm khí máu về, thấy bệnh nhân đã ngừng thở, tím toàn thân, dòng oxy thở thì được vặn lên tới 10 lít/phút. Phát hoảng, bọn em đặt ống nội khi quản và thở máy cho bệnh nhân. Sau đó quay ra hỏi người con thì bị ăn chửi".
Tự tay làm hại đến tính mạng người thân mình mà không biết lại quay ra chửi mắng thầy thuốc!
Đó là đặc thù công việc của ngành y và khi đã dấn thân vào nghề các thầy thuốc đã chuẩn bị về tâm lý chấp nhận, với mục đích sao cho công việc hoàn thành tốt nhất và cứu được tính mạng của người bệnh.
Nhìn nhận về việc nhân viên y tế bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung xảy ra nhiều thời gian gần đây, bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng cho rằng: "Có khoảng 80 – 90% người dân có văn hóa và họ nhận thức được công việc khắc nghiệt của người thầy thuốc.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân cố tình không hiểu những hy sinh thầm lặng của nhân viên y tế. Và những đối tượng này ở xã hội nào cũng có, ở nơi nào cũng có.
Vì họ cố tình không hiểu nên có những trường hợp nhân viên y tế làm rất tốt, làm đúng quy trình chuyên môn y tế nhưng vẫn không được ghi nhận, thậm chí còn gây khó dễ, đánh đập nhân viên y tế.
Đặc biệt trong những trường hợp cấp cứu, người dân không hiểu là do, liền một lúc rất nhiều bệnh nhân đến. Nhưng trong y tế chúng tôi bao giờ cũng có sự phân loại bệnh nhân. Phân loại ít nhất thành 3 nhóm là nhóm tối cấp cứu, nhóm cấp cứu và nhóm có thể theo dõi chậm lại.
Nhưng đối với người dân không có chuyên môn về y tế, người ta thấy chảy máu, bị đau kêu la và sẽ xảy ra tranh giành vị trí trước sau với những người khác.
Họ đòi hỏi thầy thuốc phải làm ngay, xử lý ngay lập tức. Và không may đó là nhóm côn đồ vừa đâm chém nhau ngoài đường, vừa sử dụng rượu bia, trong cuộc sống thường ngày họ cũng đã hay gây gổ và gặp tình huống như vậy bác sĩ bị tấn công oan cũng là điều không thể tránh khỏi".
Để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ thăm khám bệnh, bác sĩ Hùng nhấn mạnh đến 3 điều gồm:
An toàn từ việc xây dựng cơ sở vật chất của bệnh viện, phải có luồng riêng khi giao tiếp giữa thầy thuốc và người bệnh, không thể để tất cả người nhà bệnh nhân đổ xô vào tiếp cận với thầy thuốc.
Vấn đề an ninh trong bệnh viện phải có sự phối hợp giữ nhân viên an ninh của viện và lực lượng công an, để góp phần làm hạn chế các hành vi bạo lực phát sinh.
Bản thân người thầy thuốc phải tốt, kíp làm việc phải chuyên nghiệp, nhân viên y tế phải tận tụy với người bệnh, giải thích một cách thấu đáo cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân rõ về những thắc mắc của họ, về vấn đề họ không vừa lòng thì sẽ góp phần giảm thiểu xung đột tại các cơ sở y tế.
Người thầy thuốc làm tất cả chỉ với mong muốn người bệnh khỏe mạnh, mong muốn mọi người thấu hiểu nghề y là nghề đặc thù, có sự đòi hỏi khắc nghiệt. Và hơn hết, những người làm nghề y là những người có tâm nên hãy tin tưởng để các thầy thuốc cứu chữa, mang lại sức khỏe cho mọi người.
Đương nhiên, ngành nghề nào cũng có nhưng con sâu làm rầu nồi canh nên cũng không thể khẳng định tất cả những người làm nghề y đều hoàn hảo, nhưng nhìn chung những người thầy thuốc đều theo đuổi sự nghiệp với cái tâm từ mẫu và mong muốn người bệnh của mình được an toàn.
Tình trạng quá tải bệnh viện, nhất là ở các tuyến cuối, tuyến trung tâm luôn là bài toán khó đặt ra cho ngành y tế. Và với các bác sĩ công tác ở tuyến cuối như bác sĩ Hùng thì áp lực công việc, khó khăn cũng tăng lên gấp bội.
Đặc biệt, vào những ngày Tết Nguyên đán vừa qua và những ngày sau Tết, số lượng bệnh nhân cấp cứu tăng đột biến, khiến cho cả bệnh viện phải căng mình để chữa chạy cho người bệnh.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, những ngày Tết và sau Tết số lượng bệnh nhân đến bệnh viện điều trị tăng khoảng 30 – 50% so với bình thường.
Chỉ trong 7 ngày của dịp Tết, bệnh viện tiếp nhận khoảng gần 1.000 trường hợp bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày có khoảng 150 ca bệnh nhân đến cấp cứu, có những ngày cao điểm lên tới trên dưới 200 ca.