Loãng xương diễn biến thầm lặng, nhưng có thể gây nên hậu quả nặng nề như gãy xương, từ đó người bệnh sẽ bị tàn phế, mất khả năng lao động, giảm tuổi thọ….
Chị Nguyễn Thị Diện (44 tuổi, Yên Bình, Yên Bái) trong một lần đi đường bị ngã sấp, úp ngực xuống bờ ruộng, chị bị đau tức âm ỉ nhưng vẫn làm việc được, vẫn gánh vác được. Do đó, chị Diện chủ quan, không khám chữa.
Cho đến tháng 4/2018, cơn đau bắt đầu nhiều hơn, chị tự bốc thuốc nam đắp chữa 10 ngày. Nhưng mãi sau bệnh tình không thuyên giảm, chị tìm đến một số cơ sở thăm khám và được chẩn đoán phình đĩa đệm, thoái hoá 2 đốt cột sống.
Tuy nhiên, uống thuốc mãi không khỏi, chị lại bắt đầu có dấu hiệu tê chân, dần dần, hai chân mất cảm giác, bị liệt, chị được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Phú Thọ.
Tại đây, qua các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán chị bị sụt lún xương sống gây chèn ép thần kinh và buộc phải phẫu thuật để giải phóng vùng chèn ép, tránh biến chứng nặng nề hơn.
Theo bác sĩ Vi Trường Sơn - Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, với trường hợp bệnh nhân Diện, sụt lún có thể đến từ nguyên nhân loãng xương nặng, ngã chỉ là một yếu tố làm bệnh nặng hơn.
“Loãng xương diễn biến thầm lặng, nhưng có thể gây nên hậu quả nặng nề như gãy xương, từ đó người bệnh sẽ bị tàn phế, mất khả năng lao động, giảm tuổi thọ…. Nhiều bệnh nhân loãng xương nặng đến mức chỉ cần ho cũng gây sụt lún cột sống, vỡ cột sống”, bác sĩ Vi Trường Sơn cho biết.
Với loãng xương, các triệu chứng dễ nhận biết chính là đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế, giảm khi nghỉ ngơi. Ở toàn thân hay các vị trí chịu sức nặng cơ thể. Đau mỏi mơ hồ ở cột sống đau dọc các xương dài. Ở nhiều người gặp phải hội chứng kích thích rễ thần kinh do gãy xẹp đốt sống gây chèn ép rễ thần kinh, đau thần kinh tọa.
Ngoài ra còn có các triệu chứng không điển hình khác như: Đầy bụng, chậm tiêu, nặng ngực, khó thở đau mỏi cơ bắp, ớn lạnh, hay bị chuột rút (vọp bẻ các cơ)…
Để phòng tránh bệnh loãng xương, theo bác sĩ, mọi người cần tránh các yếu tố nguy cơ gây ra loãng xương (hút thuốc lá, uống rượu bia), bổ sung can xi thông qua chế độ ăn uống, đồng thời bổ sung kèm theo vitamin D trong khẩu phần ăn hằng ngày.
Cùng với đó, cần tập thể dục đều đặn, lựa chọn hình thức vận động phù hợp với tình trạng sức khoẻ, vận động thể chất thường xuyên giúp bảo vệ hệ xương, kích thích sự hình thành xương và tăng cường cơ bắp nên tránh được nguy cơ gãy xương, rạn nứt xương. Mỗi người nên dành khoảng 30 phút để đi bộ mỗi ngày.
Với những người trên 50 tuổi nên đến bệnh viện kiểm tra mật độ xương định kỳ. Đây là cách tốt nhất giúp phát hiện sớm bệnh loãng xương.