Chỉ trong 1 ngày có tới 6 trẻ nhập viện điều trị do đuối nước trong tình trạng nặng, đáng nói là nhiều trẻ được sơ cứu sai cách gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
BV Nhi Trung ương thông tin, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ, dù đã có nhiều cảnh báo về tình trạng này.
Đặc biệt, chỉ tính riêng trong ngày 3/9/2022, tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã liên tục tiếp nhận điều trị cho 6 trẻ đuối nước. Các trẻ đều vào viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, thậm chí có trẻ đã tử vong.
Điển hình như trường hợp bé trai 6 tuổi ở Hà Nội, bị tai nạn đuối nước khi được gia đình cho đi chơi tại khu nghỉ dưỡng trong kì nghỉ lễ 2/9. Gia đình không rõ trẻ bị đuối nước trong thời gian bao lâu, khi được vớt lên trẻ đã ngừng thở ngừng tim.
Sau tai nạn, trẻ được người nhà ép tim và bế dốc ngược chạy xung quanh rồi được chuyển đến BV Nhi Trung ương trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, hôn mê sâu, đồng tử giãn, mất hết các phản xạ. Mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, nên cháu đã tử vong.
Một trường hợp khác đang điều trị đuối nước tại khoa Cấp cứu Chống độc là bé N.A., ở Hà Nội. Bố của bé kể lại, chiều ngày 3/9/2022, gia đình cho trẻ đi bể bơi ở chung cư gần nhà.
Trẻ được cho bơi ở khu vực của trẻ em, tuy nhiên một lúc sau do người nhà không để ý trẻ có chạy sang khu vực dành cho người lớn và tự xuống bơi, lúc phát hiện thì trẻ đã chìm dưới nước và được người nhà vớt lên trong tình trạng tím tái, ho nôn trớ, sau khi được sơ cứu trẻ đã tự thở trở lại.
Sau đó, do chủ quan nên bố của bé đã cho con về nhà luôn mà không cho bé đi bệnh viện vì thấy con lúc này nói chuyện bình thường.
Tuy nhiên, đến đêm thấy con ho nhiều, mệt mỏi, gia đình lo lắng và cho con đến bệnh viện gần nhà thăm khám. Tại đây bác sĩ chẩn đoán con bị suy hô hấp, viêm phổi đông đặc và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong đêm. May mắn, hiện sau hơn một tuần được các bác sĩ điều trị tích cực, sức khỏe của con tôi đã dần ổn định.
Theo BSCKII Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, BV Nhi Trung ương, một số gia đình khi đưa trẻ đi du lịch, đi bơi vì người lớn lơ là hoặc để các trẻ tự trông nhau, nên đã xảy ra các sự cố đáng tiếc.
Bác sĩ Hùng cũng chỉ ra một thực tế đáng lưu ý rằng, hầu hết người dân vẫn chưa nắm được kỹ năng sơ cứu khi gặp trẻ đuối nước dẫn đến mắc sai lầm khi sơ cứu cho trẻ.
Nhiều người có thói quen sau khi đưa trẻ lên bờ thường dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy hoặc đang ép tim, hà hơi thổi ngạt cho trẻ nhưng khi tim chưa có nhịp trở lại đã dừng để tiếp tục bế vác…
Nhưng cách làm này là chưa đúng vì do 5 phút đầu là thời gian vàng để sơ cứu trẻ đuối nước. Việc sơ cứu không đúng sẽ gây chậm trễ khoảng thời gian này thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ.
Hoặc sau khi sơ cứu tại hiện trường, người lớn khi thấy trẻ tỉnh lại thì đưa trẻ về nhà nghỉ ngơi, tuy nhiên điều này là không nên và vẫn cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.
Các dấu hiệu có thể rất khó phát hiện như: khó thở, đau ngực kèm theo ho, cơ thể mệt mỏi, thay đổi hành vi… đặc biệt ở nhóm trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng có thể làm nặng thêm tình trạng sức khỏe của trẻ.
Theo BSCKII Nguyễn Tân Hùng, việc sơ cứu trẻ bị ngạt nước, đuối nước đúng kỹ thuật cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của nạn nhân. Theo đó, các bước sơ cứu đúng khi trẻ bị đuối nước như sau:
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo: