Không nhiều người biết cách sơ cứu ban đầu và các biểu hiện giữa say rượu với ngộ độc rượu. Vì thế, việc nắm giữ biểu hiện ngộ độc, sơ cứu ban đầu có vai trò quan trọng trong bảo vệ tính mạng người uống rượu
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi sử dụng nồng độ ethanol từ 20 – 400 mg/dl, cơ thể con người sẽ có những phản ứng lại. Đầu tiên là rối loạn ức chế, kích thích gây cảm xúc không ổn định, nói nhiều, hưng cảm.
Trong trường hợp này, người thân cần bù nước, bù điện giải, glucose để đảm bảo hô hấp, tuần hoàn cho người say rượu.
Nhưng khi dùng quá nhiều, lên tới >400 mg/dl, người uống có thể bị trụy tim mạch, tử vong.
Còn với methanol, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, trên thực tế, methanol được ứng dụng làm dung môi công nghiệp, phụ gia chống đông cứng… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người pha lẫn methanol với rượu nấu (chứa ethanol).
Methanol có thể hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa, qua da và đường hô hấp chỉ từ 30 – 90 phút. Khi vào cơ thể, ethanol được chuyển hóa nhanh hơn vì vậy, nhiễm độc cồn công nghiệp thường xuất hiện chậm hơn, khoảng 18 giờ sau uống.
Khi ngộ độc methanol, ngoài các biểu hiện "say rượu" thông thường, sau 30 phút, người uống sẽ bị rối loạn ý thức, hôn mê, ứ đọng đờm rãi, suy hô hấp, hạ thân nhiệt.
Sau 18 giờ, bệnh nhân có thể ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Cơ thể dần có phản ứng mạnh hơn với triệu chứng mắt nhìn mờ, sợ ánh sáng dần mất thị lực. Có thể đau lưng, cứng gáy, cứng cơ, da lạnh và vã mồ hôi.
Khi gặp trường hợp này, người thân cần đặc biệt chú ý các biểu hiện trên. Khi bệnh nhân thở khò khè, nhiều đờm cần cho bệnh nhân nằm nghiêng, hút đờm.
Khi người say tím tái, co giật cần cho thở oxy, hô hấp nhân tạo tại chỗ, không để bệnh nhân ngã, va đập. Sau đó nên đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Được biết, theo đánh giá WHO, rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh, giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông và 60 loại bệnh khác nhau liên quan đến thói quen sử dụng rượu bia. Đặc biệt, điều trị tâm thần do rượu chiếm 5 – 6 % số bệnh nhân tâm thần và vẫn đang có xu hướng tăng.
Trong 4 năm qua, tại Việt Nam, toàn quốc ghi nhận 862 vụ ngộ độc thực phẩm làm 130 người chết. Trong số đó, ngộ độc rượu chiếm 28 vụ với gần 200 người mắc, 34 người chết. Riêng trong năm 2017, số người bị ngộ độc rượu tăng đột biến với 10 vụ, làm 11 người chết.
Với ngộ độc rượu bao gồm ngộ độc ethanol và methanol. Trong đó, ngộ độc methanol – cồn công nghiệp gây ra những hậu quả đặc biệt nguy hại cho người sử dụng. Phần lớn người ngộ độc methanol đều tử vong, di chứng cao.
Để xảy ra tình trạng trên, phải nói tới thị trường vẫn tồn tại rượu không bảo đảm an toàn và rượu chứa hàm lượng methanol cao do trách nhiệm người sản xuất rượu gian lận. Chỉ tính riêng 3 tháng (từ tháng 3/2017 – 6/2017), cả nước phát hiện và xử lý 468 vụ phạm pháp trong kinh doanh rượu.
Ngoài ra, việc nhận thức trong lựa chọn, tiêu dùng người dân còn chưa cao. Tính trong tổng số vụ ngộ độc methanol, không ít trường hợp ngộ độc do pha cồn y tế để sử dụng.
Chia sẻ về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, việc sử dụng rượu không chỉ gây bất lợi về an ninh trật tự, mất nhân cách mà còn khiến người uống có thể mắc các bệnh mãn tính, tăng nguy cơ bị ung thư tiêu hóa, ung thư thực quản và rối loạn tâm thần.
Đặc biệt là khả năng bị ngộ độc rượu cấp rất khó cứu chữa và nguy cơ dẫn tới tử vong cao.
‘Có gia đình vì một vụ liên hoan mà cả nhà ngộ độc. Vậy chúng ta không nên vì thiếu hiểu biết mà tiếp tay cho sự tư lợi của người sản xuất pha trộn rượu kèm cồn công nghiệp’, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.