Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu và gây tử vong.
Điều đáng nói là người bị đột quỵ có thể phục hồi tốt nếu được xử trí, cấp cứu kịp thời trong khoảng 3 giờ đầu có biểu hiện đột quỵ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Anh Thắng, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, người dân thường có thói quen không tốt là khi phát hiện người thân có biểu hiện bất thường, thay vì gọi cấp cứu lại dùng các biện pháp chữa bệnh truyền miệng, thuốc không rõ nguồn gốc cho người bệnh uống, dẫn đến mất đi thời gian vàng điều trị bệnh.
Đối với bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian trì hoãn điều trị bệnh càng dài thì khả năng hồi phục của bệnh nhân càng bị hạn chế. Mặc dù có thể cứu sống người bệnh nhưng di chứng để lại rất lớn.
Những di chứng do đột quỵ não có nhiều mức độ khác nhau như nằm một chỗ, đứng và đi lại được nhưng chức năng vận động kém…
Đặc biệt là khi thời tiết chuyển lạnh thì số ca đột quỵ có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là do khi trời lạnh, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp dẫn đến lưu lượng máu đến não kém.
Mặt khác khi mạch máu co lại dễ làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với những người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong cao hoặc các biến chứng vô cùng nặng nề.
Do vậy, cần phải quan tâm đặc biệt, giữ gìn sức khỏe những lúc tiết trời chuyển lạnh bất thường như hiện nay.
Khi người thân có những dấu hiệu của đột quỵ cần ngay lập tức gọi cấp cứu để được xử trí kịp thời, đúng cách.
Để nhận biết các biểu hiện đột quỵ, bác sĩ Thắng khuyến cáo người dân các dấu hiệu được tóm tắt bằng chữ F.A.S.T gồm:
F (Face): Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.
A (Arm): Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.
S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó.
T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
L.MinhBạn đang xem bài viết Dấu hiệu đột quỵ cần cấp cứu ngay lập tức tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].