Những bí quyết chiến thắng bệnh ung thư gan của người đàn ông 60 tuổi

8 đợt truyền hoá chất cùng phương pháp thải độc cơ thể, dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý đã giúp tế bào ung thư gan của ông Nguyễn Ích Tấn tạm thời ổn định.

22 giờ 05 phút, hoàn thành phần việc cuối cùng ở văn phòng, ông Nguyễn Ích Tấn đi bộ ra bến xe gần đó. Đúng 22 giờ 10 phút, chuyến xe buýt cuối cùng của ngày đưa ông về nhà cách đó 6 cây số, kết thúc 5 tiếng làm việc.

Không nhiều người biết, người đàn ông 60 tuổi đó đã chiến đấu và sống cùng căn bệnh ung thư gan được gần 4 năm nay.

‘6 tháng nữa chết thì vô lý quá’

Vào một ngày mưa mùa hè năm 2014, ông Tấn đi xe tới Bệnh viện Bưu Điện khám bệnh sau lời đề nghị của một bác sĩ: ‘Cháu nhìn bác dạo này da vàng quá. Mai bác tới viện cháu, cháu khám cho’.

Lúc đó, ông Tấn vẫn đùa vui ‘Bác sĩ nhìn đâu chẳng ra bệnh. Bác vẫn bình thường, ngày ăn 3 bữa, sáng làm việc ở nhà, chiều tối đến văn phòng, tối về nhà’.

Sáng sớm hôm sau, đang ngồi trông cửa hàng sửa chữa của mình, bác sĩ kia gọi điện: ‘Bác đi chưa? Cháu đang đợi bác ở cổng bệnh viện đây’. Lần khần mãi, bác Tấn cũng khoác cái áo mưa, đóng cửa hàng, tới bệnh viện khám vì sợ phụ lòng tốt của bác sĩ.

Đang ngồi đợi kết quả khám trong tâm thế nhanh nhanh còn về nấu cơm cho vợ, ông Tấn thấy vài bác sĩ khác chạy rầm rập nói với nhau: ‘Bệnh nhân của anh đâu rồi? Sao lại để nặng như thế này?’

‘Người nhà của bác đâu, không có người nhà ở đây chúng tôi không thông báo kết quả’.

Nhưng biết ông Tấn chỉ đi khám một mình, bác sĩ quay sang nói: ‘Của bác căng rồi đấy, chỉ còn 50-50 cơ hội sống thôi’.

Ngờ vực với kết quả chẩn đoán về bệnh tình của mình, ông Tấn tìm tới Bệnh viện K để khám lại với hy vọng mong manh mình không bị ung thư gan, đó chỉ là sự nhầm lẫn.

Nhưng cuối cùng, ông đã phải đương đầu với kết luận ở bệnh viện K.

Bác bị ung thư, trong gan đã có 14 khối u và chỉ còn sống được cỡ 6 tháng nữa. Như nhiều bệnh nhân khác, ông Tấn hoang mang với 4 chữ ‘Bệnh viện trả về’.

Ông Tấn bàng hoàng vì không bao giờ nghĩ mình lại mắc căn bệnh ung thư quái ác.

Ông ngồi xuống, bỗng hình ảnh cậu con trai chào tạm biệt đại gia đình ở sân bay trước khi lên đường du học, ‘Bà ở nhà khoẻ, cố đợi cháu đến khi về đấy’, hiện về rõ nét.

Nhiều suy nghĩ kéo đến liên tục, đến bà nội, bà ngoại còn phải sống đến khi cháu về, nếu bố mà chết thì không được.

Ngay lập tức, ông Tấn không cho phép từ ‘chết’ xuất hiện trong đầu mình thêm một lần nào nữa. ‘Không bao giờ được chết!’. Ông quyết tâm với một tinh thần chiến đấu bệnh tật, đợi con của mình về nước.

Khi nghe tư vấn phương hướng điều trị, một bác sĩ nói với ông Tấn đại ý: Mỗi người đều như những vận động viên mà đường chạy chính là sức khoẻ của mình. Cho dù xuất phát ở vị trí nào cũng phải chạy, bất biết người khoẻ hay người bị bệnh.  

Hơn 3 năm trước, vạch xuất phát của ông Tấn chính là căn bệnh ung thư gan. Ông lên dây cót tinh thần, chuẩn bị cho một quãng đường với cả 4 phần: khởi động, tăng tốc, nước rút, về đích trong thời gian ngắn ngủi.

Việc đầu tiên ông Tấn làm là đọc tài liệu về bệnh ung thư gan vì ông nghĩ nếu không hiểu về bệnh của mình thì không biết mình sẽ phải làm gì và có phương án như thế nào. Ông Tấn dành 1 tháng đầu miệt mài đọc sách về bệnh của mình. Vớ cuốn sách nào có viết về ung thư là ông đọc ngấu nghiến.

Ông giật mình vì tất cả các tài liệu bác đọc đều chỉ ra, thông thường bệnh nhân bị ung thư gan chỉ có thời gian sống trung bình từ khi phát hiện khoảng 6 tháng, chỉ có khoảng 1 % người ung thư gan có nguy cơ sống sót sau 5 năm.

‘Liệu mình có rơi vào 1% số người may mắn kia không?’, ‘Trong 6 tháng, tôi phải làm gì đây?’… Sự hoang mang bắt đầu xâm lấn suy nghĩ của ông Tấn.

Ông Tấn thắc mắc sao bệnh của mình nặng thế mà không có dấu hiệu nghiêm trọng nào của cơ thể? Khi đọc những kiến thức đầu tiên về bệnh ông mới ngộ ra tế bào gan không có dây thần kinh cảm giác, nên nếu bị tổn thương, bệnh thường không gây ra một triệu chứng nào cả.

Rồi dần dần, ông Tấn cũng hình dung được con đường chữa bệnh của mình, biết mình phải làm gì.

Trong suốt khoảng thời gian điều trị bệnh, ông Tấn giấu hai đứa con và tất cả mọi người.

Chỉ duy nhất vợ biết chuyện, vì ông chọn người đầu ấp tay gối của mình là bà Đỗ Thị Minh Ngọc để đồng hành với mình trong hành trình gian nan này.

Ông Tấn sợ nếu họ hàng biết chuyện, họ lũ lượt kéo tới thăm mình, khi đó tinh thần mình càng hoảng loạn.

Họ cứ động viên ‘Cố gắng ăn uống cho khoẻ’ nhưng đằng sau đó lại nghĩ chắc ông này chẳng sống được bao lâu, mấy nữa là về với các cụ.

Đến cuối năm 2016, khi bệnh tình đã thuyên giảm và tế bào ung thư đã ổn định, ông Tấn mới cho hai người con của mình biết cũng vì không giấu nổi nữa.

Bởi các con về nước thăm bố mẹ, giấy tờ khám bệnh cao tầng chồng chất ngất ở phòng, phim chụp và kết luận của bác sĩ hiện ra rõ ràng.

Truyền hoá chất đến đợt 3 thì muốn buông bỏ 

Qua việc tự đọc tài liệu về ung thư gan, ông Tấn quyết định kết hợp của đông, tây y cho việc chữa trị của mình.

Việc đầu tiên trong số gạch đầu dòng cần làm, ông Tấn muốn ngăn chặn tế bào ung thư không phát triển nữa. Ông nhờ tới sự can thiệp của tây y bằng cách truyền hoá chất.

Lần truyền hoá chất đầu tiên, sau số giờ quy định nằm bất động tại giường bệnh, ông Tấn tự đi xe máy về nhà.

Lần truyền hoá chất thứ hai, ông Tấn nhờ tới sự trợ giúp từ người vợ của mình. Lần truyền hoá chất thứ ba, ông Tấn không đi nổi xe máy nữa mà đã phải gọi tắc xi.

Sau đợt truyền thứ ba này, tiêu tốn gần 60 triệu đồng mà không thấy có bất kỳ sự biến chuyển tích cực nào, ông Tấn nảy sinh suy nghĩ dừng lại vì ông bắt đầu thấy việc truyền này vô nghĩa.

Nhìn quanh phòng bệnh, ông Tấn thấy mấy ca cùng nhập viện, truyền hoá chất cùng đợt với mình mà họ cũng đi cả rồi.

Sự tiêu cực trong suy nghĩ liên tiếp kéo đến. Ông âm thầm tính toán chứ không nói cho vợ của mình biết điều đó, sợ vợ lo lắng hơn.

Để vợ không nhìn thấy sự mệt mỏi của mình, ông Tấn lúc nào cũng cố gắng ăn hết phần cơm vợ nấu. Nhiều lúc, ông Tấn ăn hết đồ ăn thức uống bằng nghị lực thay vì thấy chúng ngon miệng. Vì ông biết, mình ăn cũng là để tăng sức đề kháng của cơ thể và có sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật.

Nhiều lúc vợ ông Tấn còn kinh ngạc trước khả năng ăn uống của chồng khi chưa kịp nấu xong món sau thì ông đã ăn hết phần thức ăn trên bàn. Mỗi lúc đó, ông Tấn thường tỉnh bơ về sức ăn của mình.

Ông Tấn xác định con đường mình phải đi và chấp nhận mệt mỏi rồi những đợt truyền hoá chất khiến tóc bị nhưng bằng nghị lực. ‘Nếu mình buông là mình sẽ chết’, ông Tấn nhớ lại mình thời điểm gần 4 năm trước.

Bỏ cuộc chỉ là suy nghĩ thoáng qua xuất hiện trong đầu ông Tấn khi không thấy bệnh thuyên giảm. Ông nhớ lại quyết tâm của mình từ những ngày đầu rồi tự vực mình lên, rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn thoả cả thôi.

Truyền hoá chất hết đợt thứ bảy, tế bào ung thư của ông Tấn không phát triển thêm nữa. Ông Tấn và vợ của mình vui mừng tiếp tục bước vào đợt truyền hoá chất cuối cùng, đợt thứ tám. Sau tám đợt truyền hoá chất, ông nằm bẹp ở nhà cả tháng trời.

 

Ngay từ đầu, ông Tấn chỉ có một mục tiêu lớn nhất nên luôn cố gắng tìm mọi cách để sống.

Việc đọc rất nhiều tài liệu về bệnh lý giúp ông Tấn nhận ra, gan được ví như ‘nhà máy thải độc’ của cơ thể.

Khi gan của ông bị viêm gan B rồi bây giờ là ung thư thì nó đã gần như mất hoàn toàn chức năng đó. Câu hỏi đặt ra với ông là làm thế nào để độc tố trong cơ thể vẫn được đưa ra ngoài khi gan của mình đã không thể làm được nhiệm vụ đó nữa?

Trước hết, ông thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, tự tính toán lượng chất đưa vào cơ thể của mình.

Nếu chẳng may lỡ bữa nào đó ăn nhiều thịt thì ngay lập tức các bữa ăn sau phải bổ sung thật nhiều rau, để cân bằng. Ông không sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, không dùng thuốc lá và chất kích thích.

Ngoài ra, ông còn áp dụng 4 biện phải thải độc cơ thể bằng cách:

- Mỗi ngày uống 3 lít nước

- Xông hơi bằng các loại lá thảo dược, cách 1 ngày làm 1 lần

- Ngâm chân bằng gừng hoặc tinh dầu gừng

- Thanh lọc đường ruột bằng cà phê

Ông Tấn thực hiện 4 biện pháp trên đan xen nhau. Mỗi biện pháp lại giúp bác thải độc những độc tố khác nhau tích tụ ở cơ thể ra bên ngoài.

Tuỳ theo thể trạng cơ thể mỗi giai đoạn mà ông Tấn áp dụng biện pháp thải độc cho phù hợp. Ví dụ, nếu thấy cơ thể ngứa ngáy, mẩn đỏ thì ông Tấn sẽ tăng tần suất xông hơi lên.

Hiện tại, ở độ tuổi 60, còn mang trong mình căn bệnh ung thư gan mà gần 4 năm trước bác sĩ kết luận chỉ sống được 6 tháng nữa và bệnh viện trả về, ông Tấn vẫn đều đặn hằng ngày đi làm từ 17 giờ đến 22 giờ.

Công việc bảo vệ này mang lại cho ông sự vận động nhẹ nhàng, điều cần thiết với một bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, ông còn nhận lại niềm vui khi biết mình vẫn có thể lao động, giao lưu với mọi người trong công ty để có thêm kiến thức.

Ông Tấn lắng nghe cơ thể của mình mỗi ngày để kịp thời điều chỉnh phương án ăn uống, sinh hoạt và thải độc cơ thể.

Quãng thời gian bị bệnh giúp ông Tấn nhận ra, mình cần làm những điều để mình vui vẻ và khiến những người xung quanh cùng hạnh phúc.

Tú Anh - Phạm Tùng /giadinhmoi.vn