Tuy nhiên, gan có thể bị tổn thương và giảm chức năng do bệnh tật hoặc thói quen lối sống.
Bệnh gan là một thuật ngữ rất rộng bao gồm nhiều tình trạng khác nhau ảnh hưởng đến chức năng gan bình thường, theo bác sĩ Douglas Weine tại Trung tâm Y tế Hackensack Meridian.
Các bệnh về gan bao gồm bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan hoặc thậm chí là ung thư gan...
Tiến sĩ Bubu Banini, bác sĩ gan và trợ lý giáo sư tại Trường Y Yale cho biết: "Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gan thường không xuất hiện cho đến khi gan bị tổn thương đáng kể".
Dưới đây là 5 dấu hiệu cảnh báo phổ biến nhất của bệnh gan và những việc cần làm nếu bạn phát hiện ra những vấn đề này.
1. Vàng da hoặc vàng mắt
Tiến sĩ Banini nói: "Một dấu hiệu của bệnh gan là vàng lòng trắng mắt hoặc da, được gọi là chứng vàng da (hoàng đản)".
Điều này xảy ra khi có quá nhiều bilirubin, một sắc tố được tạo ra trong quá trình phân hủy tự nhiên của các tế bào hồng cầu trong cơ thể. Bilirubin thường được gan xử lý và đào thải khỏi cơ thể, nhưng quá nhiều bilirubin có thể gây vàng da và cho thấy các vấn đề về gan.
Mặc dù nồng độ bilirubin cao không phải là vấn đề quá lớn đối với người trưởng thành, nhưng nguyên nhân tiềm ẩn gây ra nó có thể là vấn đề cần chú ý.
Đó là lý do tại sao bạn cần đi khám bác sĩ nếu nhận thấy dấu hiệu vàng da hoặc vàng mắt.
2. Nước tiểu sẫm màu - ngay cả khi uống đủ nước
Chỉ riêng tình trạng nước tiểu sẫm màu thường không đáng lo lắng, vì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần uống thêm nước.
Nhưng bác sĩ Weine cho biết, những người mắc các bệnh về gan cũng thường có nước tiểu sẫm màu. Điều này là do sự tích tụ bilirubin, có thể biến nước tiểu thành màu cam đậm, nâu hoặc hổ phách.
Nếu bạn uống đủ nước và vẫn thấy vấn đề về màu sắc nước tiểu, thì đó có thể là dấu hiệu bệnh.
3. Lú lẫn
Theo thời gian, chúng ta có thể quên dần một số việc. Nhưng không nên chủ quan nếu trạng thái tinh thần có những thay đổi quá lớn. Chúng có thể là dấu hiệu của các bệnh về gan hoặc một số vấn đề tiềm ẩn khác.
Nếu bạn gặp phải tình trạng lú lẫn hoặc các vấn đề về tâm trí khác, hãy đi gặp bác sĩ ngay lập tức.
Tiến sĩ Banini nói: "Một người khỏe mạnh có thể bị suy gan cấp tính, biểu hiện bằng những thay đổi về trạng thái tinh thần hoặc tính cách như mất phương hướng, lú lẫn hoặc buồn ngủ".
4. Sưng phù chân, mắt cá chân hoặc bụng
Sưng phù ở chân và bàn chân có thể cho biết có gì đó không ổn về gan, nhất là tình trạng xơ gan.
Theo Mayo Clinic, xơ gan làm chậm lưu lượng máu qua gan và tăng áp lực trong tĩnh mạch đưa máu qua cơ quan này, được gọi là tĩnh mạch cửa.
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa có thể khiến chất lỏng tích tụ ở chân (gọi là phù nề), và ở bụng (gọi là cổ trướng).
Phù nề và cổ trướng cũng có thể xảy ra nếu gan không thể sản xuất đủ một số protein nhất định trong máu, chẳng hạn như albumin.
5. Dễ bầm tím và xuất huyết
Người bị tổn thương gan có thể dễ bầm tím hoặc chảy máu khi bị thương.
Bác sĩ Weine giải thích điều này là do gan sản xuất các protein cần thiết để máu đông. Vì vậy, khi gan không hoạt động tốt, bạn dễ bị xuất huyết.
Phải làm gì nếu bạn nghi ngờ mình bị tổn thương gan?
Bạn không nên chủ quan với các vấn đề về gan. Uống nhiều rượu hoặc uống rượu thường xuyên, mắc bệnh tiểu đường type 2, dùng chung kim tiêm, tiếp xúc với độc tố hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh gan đều là những yếu tố nguy cơ gây tổn thương gan.
Nếu bạn nghi ngờ mình có bất kỳ triệu chứng nào của tổn thương gan, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán. Một số triệu chứng khác cũng nên chú ý như thay đổi khi đại tiện, kiệt sức, thay đổi cảm giác thèm ăn,...
Tiến sĩ Banini khuyên bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn gặp phải tình trạng vàng da nghiêm trọng, thay đổi bất ngờ về trạng thái tinh thần, phân đen, nôn ra máu, sưng phù bụng, mắt cá chân và chân, khó thở.
(Theo Huff Post)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết 5 dấu hiệu cảnh báo sớm tổn thương gan tại chuyên mục Các bệnh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].