Thời tiết nóng ẩm mùa hè là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus phát triển. Và trẻ nhỏ trở thành đối tượng dễ bị virus, vi khuẩn tấn công gây bệnh trong mùa hè vì sức đề kháng còn non nớt, do đó cha mẹ cần có biện pháp phòng ngừa cho trẻ.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, vào mùa hè nắng nóng trẻ thường mắc phải một số bệnh thường gặp sau.
Nắng nóng là làm cho thực phẩm dễ bị hỏng, ôi thiu, môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh tiêu chảy. Nhất là khi trẻ đi học ăn uống tại trường, thời tiết nắng nóng nếu thức ăn không được bảo quản kỹ, quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất dễ xảy ra.
Hơn nữa, tiết trời nóng bức khiến trẻ dễ bị khát nước và hay uống các loại đồ uống không đảm bảo vệ sinh ngoài cổng trường dẫn đến dễ bị tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm.
Mùa hè là thời điểm trẻ dễ bị nhiễm siêu vi dẫn đến việc trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, mệt mỏi, ăn uống khó khăn...
Mặc dù dễ gây bệnh cho trẻ nhưng một số siêu vi có thể phòng ngừa bằng các loại vắc-xin như siêu vi cúm, sởi, thủy đậu, quai bị...
Bệnh viêm não Nhật Bản đã vào mùa (từ tháng 5 – tháng 7). Đây là bệnh khá nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng nặng cho trẻ nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, thậm chí có thể gây ra tử vong.
Dù nguy hiểm nhưng viêm não Nhật Bản đã có vắc-xin phòng bệnh nên phần nào làm giảm bớt nguy cơ cho trẻ em. Tuy nhiên cha mẹ cần cho trẻ tiêm đúng thời điểm, tiêm đủ số mũi và nhớ tiêm nhắc lại để đạt hiệu quả phòng ngừa tốt nhất cho con.
Bệnh chân tay miệng thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có khả năng lây lan rất cao do liên quan nhiều đến vệ sinh cá nhân và môi trường xung quanh.
Tay chân miệng trở nên nguy hiểm hơn nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run chi, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ... Do đó, nếu trẻ có các triệu chứng của tay chân miệng (mọc nốt ở lòng bàn tay, bàn chân, miệng) nên đưa trẻ đi thăm khám và điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra và muỗi vằn là vật trung gian lây lan bệnh, truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
Bệnh sốt xuất huyết thường gia tăng vào mùa mưa, khi bệnh nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng...
Nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và thậm chí gây tử vong cho người bệnh.
Thời tiết oi bức, nhiệt độ môi trường tăng cao làm trẻ em thường bị nổi rôm sảy, gây ngứa ngáy rất khó chịu.
Nắng nóng cũng làm da tiết nhiều mồ hôi để làm mát, mồ hôi, bụi bẩn làm vi khuẩn phát triển gây viêm da, nổi mẩn đỏ, phát ban ở trẻ. Đó cũng là lý do khiến nhiều trẻ mắc bệnh da liễu trong mùa hè.
Trong mùa hè nắng nóng, để phòng ngừa bệnh tật cho trẻ, cha mẹ cần chú ý một số biện pháp dưới đây.