Nhật Bản vừa ghép tế bào gan cho một em bé sơ sinh từ tế bào gốc phôi. Đây cũng là trường hợp đầu tiên trên thế giới được điều trị bệnh gan theo phương pháp này.
Được biết em bé mới sinh (không tiết lộ giới tính và tên tuổi) đã mắc bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khiến gan không có khả năng phá vỡ a-mô-ni-ắc độc hại.
Em bé mới sinh được 6 ngày, còn quá bé để có thể tiến hành ghép gan, một phương pháp được khuyến cáo là chỉ dành cho bé từ 6kg trở lên, tức là cần khoảng 2 - 5 tháng để bé phát triển.
Vì thế, các chuyên gia tại Trung tâm vì chăm sóc sức khỏe và phát triển trẻ em Nhật Bản quyết định "phương pháp bắc cầu" để chờ ngày ghép gan cho bệnh nhi.
Họ đã tiêm khoảng 190 triệu tế bào gan được lấy từ các tế bào gốc từ phôi (ES Cells) vào trong các mạch máu của gan em bé.
Sau khi được tiêm xong, bé được theo dõi và không thấy bất thường. 5 tháng sau, em bé đã được ghép gan từ cha và xuất viện sau 6 tháng nằm viện.
Ở Châu Âu và Mỹ, các tế bào gan thường được dự trữ từ các bệnh nhân chết não nhưng ở Nhật Bản hiện nay tế bào gan vẫn còn rất ít. Điều đó gây không ít khó khăn đối với trẻ em vì phải chờ các bé lớn mới được ghép gan.
Tế bào gốc phôi được lấy từ trứng đã thụ tinh và được sử dụng trong nghiên cứu đã dấy lên những vấn đề về đạo đức.
Tuy vậy, theo viện nghiên cứu Nhật Bản, đây cũng là cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên ở người cho thấy có thể sử dụng tế bào gốc phôi cho bệnh nhân bị bệnh gan.
Viện quốc gia Nhật Bản là một trong hai tổ chức ở Nhật Bản được phép sử dụng tế bào gốc phôi để nghiên cứu các phương pháp chữa bệnh mới.
(Theo Medical Express)