Có biểu hiện sốt cao liên tục trong 5 ngày, dù đã dùng thuốc hạ sốt nhưng chỉ giảm một lúc rồi lại sốt lại, người phụ nữ phải nhập viện khám bệnh.
Đó là trường hợp của một bệnh nhân nữ (44 tuổi, ở Hà Nội) đang điều trị tại BV Thanh Nhàn. Qua khai thác bệnh sử thì được biết, trước đây bệnh nhân có phát hiện bị viêm gan B nhưng không điều trị.
Gần đây, bệnh nhân bị sốt cao liên tục 5 ngày, dùng thuốc hạ sốt ở nhà chỉ đỡ được một lúc, hết tác dụng của thuốc là bị sốt lại. Đồng thời, bệnh nhân có kèm theo triệu chứng đau nhức đầu, đau mỏi người, buồn nôn, ăn uống kém, người mệt mỏi.
Do mệt nhiều, tình trạng diễn biến nặng nên bệnh nhân được người nhà đưa vào BV Thanh Nhàn thăm khám. Kết quả thăm khám và xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị giảm tiểu cầu, dương tính với virus Dengue, tăng men gan gấp 7 – 8 lần bình thường. Ngay sau đó bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định nhập viện để điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tới, Khoa bệnh nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn, những ngày gần đây đơn vị có tiếp nhận một số bệnh nhân bị sốt xuất huyết, trong đó có trường hợp của bệnh nhân nữ 44 tuổi kể trên.
"Sau khi bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm có tình trạng giảm tiểu cầu, xuất huyết niêm mạc, dương tính sốt xuất huyết, men gan tăng cao… Như trường hợp này chưa khai thác được yếu tố dịch tễ liên quan đến khu vực phía nam, họ đi khám do sốt cao.
Thường bệnh nhân sốt xuất huyết không có biến chứng có thể theo dõi tại nhà và tái khám định kỳ. Nhưng với những bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền đi kèm, có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như bệnh nhân sốt cao li lì, nôn và buồn nôn, có dấu hiệu chảy máu cam, chảy máu chân răng… thì chúng tôi sẽ cân nhắc để bệnh nhân nhập viện điều trị” – BS Tới cho biết.
Cũng theo bác sĩ, tại Hà Nội và miền Bắc, sốt xuất huyết đang bắt đầu vào vụ dịch và đỉnh điểm của dịch dự báo sẽ vào tháng 8 nên người dân phải hết sức lưu ý chủ động phòng bệnh ngay từ bây giờ.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 52 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện (tăng 2,3 lần so với tuần trước đó).
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã có 175 ca mắc sốt xuất huyết nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong (giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong tuần qua Hà Nội ghi nhận 3 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 3 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã có 7 ổ dịch sốt xuất huyết tại 4 quận, huyện: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Đan Phượng.
Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type ký hiệu: D1, D2, D3, D4. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng type riêng lẻ. Do đó, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, với 4 type virus khác nhau.
Kết quả xét nghiệm xác định type virus từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 1 trường hợp nhiễm type D2 tại quận Ba Đình và 1 trường hợp nhiễm type D1 tại quận Đống Đa.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo, cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt bằng các cách dưới đây.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.