Theo khuyến cáo của Sở Y tế TP.HCM, bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể từ nhẹ (chỉ sốt vài ngày rồi hết) đến rất nặng và có thể tử vong. Đa số trường hợp bệnh nhân đều tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn tiến thành thể sốt xuất huyết Dengue nặng có biến chứng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Để nhận diện dấu hiệu bệnh chuyển biến nặng, Sở Y tế TP.HCM khuyên người dân cần chú ý 3 giai đoạn diễn tiến bệnh sốt xuất huyết như sau:
1. Giai đoạn sốt
Giai đoạn sốt thường từ ngày 1 đến ngày 4 của bệnh trong đó sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt trở lại.
Ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn…
Đa số trường hợp bệnh sẽ tự thuyên giảm sau 5 ngày và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 tuần. Tuy nhiên có một tỷ lệ bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nguy kịch.
2. Giai đoạn nguy kịch
Gia đoạn này thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh, tính từ khi bắt đầu sốt.
Trong giai đoạn này người bệnh hạ sốt đột ngột, đây là dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn là đã hết bệnh. Cùng với đó người bệnh còn có biểu hiện tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ, li bì; thậm chí lơ mơ, rối loạn tri giác; cảm giác đau bụng nhiều, liên tục, nhất là tại vùng dưới sườn bên phải, nôn ói, tiểu ít…
Đặc biệt, ở giai đoạn này người bệnh xuất hiện các biến chứng chảy máu ở nhiều nơi (xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, ói ra máu, đi tiêu ra máu, phụ nữ có thể bị rong kinh rong huyết).
Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện viêm cơ tim, tổn thương gan nặng, biến chứng tổn thương đa phủ tạng và có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong.
Giai đoạn này người bệnh cần được nhập viện theo dõi điều trị tích cực. Nếu được điều trị kịp thời, tích cực và đúng phương pháp thì bệnh nhân sẽ chuyển qua giai đoạn hồi phục.
3. Giai đoạn hồi phục hồi
Giai đoạn phục hồi thường sau ngày 7 của bệnh. Người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.
Phần lớn các trường hợp sốt xuất huyết có thể được điều trị ngoại trú và tái khám theo dõi hàng ngày tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
Các bệnh nhân giai đoạn sốt cấp tính cũng cần được xem xét nhập viện nếu thuộc một trong các tình huống sau: sống một mình; nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng; gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; thừa cân, béo phì; phụ nữ có thai; người lớn tuổi (≥60 tuổi); người có các bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, COPD kém kiểm soát, đái tháo đường...).
Trong quá trình điều trị ngoại trú bệnh nhân cần tái khám và làm xét nghiệm máu hàng ngày. Đặc biệt cần theo dõi nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng thì phải nhập viện điều trị nội trú.
Khi điều trị ngoại trú, người bệnh cũng cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất khi có một trong các dấu hiệu như: cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẩn, kích thích, vật vã hoặc li bì; không tiểu trên 6 giờ.
An AnBạn đang xem bài viết 3 giai đoạn của sốt xuất huyết, nhận diện đúng để nhập viện kịp thời tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].