Ung thư dạ dày rồi ung thư cổ tử cung, trong hoàn cảnh khốn cùng, người phụ nữ nghèo vẫn vượt lên nghịch cảnh, chiến thắng ung thư.
Gặp người phụ nữ chiến thắng 2 căn bệnh ung thư Hán Thị Hiển (sinh năm 1976, trú tại xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) vào một ngày tháng 6, chị nhanh nhẹn, hoạt bát với nụ cười luôn nở trên môi và đôi mắt chất chứa bao nỗi niềm.
Cuộc sống hiện tại, chị lấy công việc chăm sóc người ốm tại nhà làm vui. Với chị, niềm vui đó lắng đọng trong tâm hồn và là động lực để chị thực hiện mục tiêu của mình.
Vì vậy, chị làm việc chăm chỉ vì sợ lãng phí thời gian và sợ không sống được lâu để làm được nhiều điều cho cậu con trai của mình, “Đến bây giờ, tôi không biết mình đã mệt như thế nào cả”.
Năm 2003, chị Hiển thường xuyên đau đầu, chóng mặt, cơ thể vã mồ hôi. Thậm chí, đã có những lúc chị nằm mê man, tim đập thoi thóp. Huyết áp của chị tụt xuống còn 90/60. Những ngày tháng người như đi mượn đó, chị cố gắng đi làm nhưng khi ra đến rừng, chị bị ngất, mọi người xung quanh đưa chị đi cấp cứu.
Thấy tình trạng sức khoẻ của mình không ổn, chị được anh trai đưa đi bệnh viện tỉnh để khám. Chị được chỉ định làm điện não đồ và các xét nghiệm cần thiết. Với kết luận thiếu mãu lên não, tim đập rời rạc, bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh về tim mạch.
Suốt một năm ròng rã cứ ra rồi lại vào Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị, sức khoẻ chị như quả bóng bay được thổi phồng rồi nhanh chóng xẹp xuống.
Năm 2004, trong đám tang người bố của chị, chị bị ngất liên tục. Khi được người thân cho uống nước mật ong gừng ấm thì chị nôn ra máu. Chị quay trở lại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong tâm trạng lo lắng tột cùng. Tại đây, chị được chỉ định nội soi dạ dày.
Kết quả giải phẫu bệnh của chị là do khối u đã choán gần hết dạ dày, có một lớp giả mạc bọc niêm mạc dạ dày nên khó phát hiện. Ngay lập tức, chị được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ 4/5 dạ dày.
Khi đó, chị chưa định hình hết được sức khoẻ của mình đang ở mức độ như thế nào. Chị chỉ đoán, sau khi được mổ dạ dày, chị sẽ giống như bao nhiêu người đã từng làm phẫu thuật này, sẽ nhanh chóng khoẻ mạnh trở lại.
12 cân nặng bị tụt sau ca phẫu thuật rút hết gần như toàn bộ sức lực của chị. Những tháng ngày đó, chị trong mắt nhìn lên trần của phòng bệnh, chỉ thấy một thứ ánh sáng choáng ngợp và những chai chuyển làm tầm nhìn của chị bị khuất. “Lúc đó, tôi không biết mình được truyền vào cơ thể những loại thuốc gì. Tôi chỉ biết mình cần phải đáp ứng mọi phác đồ điều trị của bác sĩ”, chị Hiển nhớ lại.
Chị mong sức khoẻ mình có chuyển biến tích cực để nhanh được ra viện. Một phần chị sốt ruột công việc gia đình ở quê, một phần vì nghĩ tới khoản chi phí khổng lồ mà cả gia đình chị đang phải gánh để lo từng đơn thuốc, từng phác đồ điều trị mà bác sĩ chỉ định.
Hoà chung cùng niềm mong mỏi đó, gia đình chị đã tập trung hết nguồn lực để lo liệu cho chị. Chị tâm sự, cả cuộc đời chị sẽ không bao giờ quên hình ảnh người mẹ đẻ cả chị đã phải tháo sợi dây chuyền - thứ vật chất giá trị còn sót lại cuối cùng của mẹ để bán đi, lấy tiền lo cho chị.
2.673.000 đồng là số tiền bố mẹ chị đưa cho chồng chị sau khi bán 4 chỉ vàng. Nghe hoá đơn thanh toán đơn thuốc hết 3.400.000 đồng, chồng chị đi thẳng ra tiệm cầm đồ, cầm cố chứng minh thư của anh. Đợt điều trị tiêu tốn 17 triệu đồng kết thúc, chị được trở về căn nhà thân yêu của mình.
9 tháng sau ngày xuất viện, chị bị ốm nặng. Nằm trên giường, chị mơ hồ nghĩ lại, xâu chuỗi diễn biến cuộc sống của chị và gia đình chị trong gần 1 năm qua. “Chắc đợt này nó chết mất!”, cái bặm môi của bố chị và những giọt nước mắt lăn dài của mẹ chị khiến chị ngờ vực suy nghĩ “cắt một phần dạ dày thì sẽ khỏi”.
- Vợ em có thể sống thêm được bao lâu?
- Những người bị K bờ cong nhỏ dạ dày như vợ em, ở giai đoạn IV, chỉ có thể sống thêm được nhiều nhất chỉ 1 năm.
Có lẽ, với gia đình chị, chị sống được 9 tháng đã là một kỳ tích. Lúc đó, chị mới ngã ngửa biết mình bị ung thư. Chị không biết chữ “K” trong hồ sơ bệnh án nghĩa là gì và cũng chưa biết ung thư là như thế nào. Một suy nghĩ ghim chặt trong đầu chị khi đó, ung thư là một bệnh vô phương cứu chữa.
Âm thầm, chị lân la đi hỏi những người bị ung thư trong làng xóm, kết hợp với việc nghe chồng nói vậy, chị ý thức về việc cần thiết của việc tái khám và giữ gìn sức khoẻ cho chính bản thân mình. Nhận được sự chăm sóc chu đáo từ người chồng của mình, sự quan tâm của gia đình, chị đã dần khoẻ lên.
Căn bệnh ung thư dạ dày tạm yên ổn được 2 năm thì năm 2006 chị Hiển lại được phát hiện có u ở vú.
Mang trong mình căn bệnh ung thư, lúc nào chị cũng chuẩn bị chu đáo cho các dấu hiệu chuyển biến chuyển của cơ thể. Nên khi thấy trên ngực mình có hạt gì bé như hạt đỗ đầu năm 2006, chị ngay lập tức đi khám. Chị mừng vui về nhà, vô tư sống cuộc sống giản dị bên chồng và con sau khi được bác sĩ chẩn đoán không sao.
Mùa hè năm 2016, chị thấy hạt ở ngực của mình ngày một to lên. Tháng 7/2016, những cơn đau dữ dội kéo đến buộc chị phải đi khám. Một tháng sau, thay vì có người đưa đi khám, chị quyết định tới bệnh viện một mình.
Chị bảo với chị gái, “Đằng nào em cũng chết. Hôm nay, em tự xuống viện nghe tuyên án một lần nữa”. Lặng lẽ ngồi sau xe đạp, chị gái chở chị từ nhà ra trung tâm phố huyện, bắt xe xuống Hà Nội.
Chiều mùa thu Hà Nội đón chị vào sảnh của khoa khám bệnh, bệnh viện K TƯ. Bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư vú, đã di căn hạch nách, hạch thượng đòn. Chị làm thủ tục nhập viện và nằm tại Bệnh viện K2. Ngơ ngác bước chân vào K2, chị náu núp vào phòng của bệnh nhân của Khoa Chăm sóc Triệu chứng và Điều chị chống đau.
Chị nhìn thấy một người đồng bệnh, cô ấy cũng bị ung thư vú, đã di căn và đã cắt 2 bên vú, đầu trọc lốc, thân hình héo mòn. Chị không còn đủ bình tình để giữ lại tinh thần chiến đấu với bệnh tật mà chị đã lên dây cót. Chị lao ra gốc cây phía trước cửa phòng bệnh.
Một mình ngồi đó, chị khóc, nghĩ tới việc mình điều trị sẽ khiến gia đình chị thêm một gánh nặng, nghĩ về người chồng và đứa con bé bỏng của mình. Những suy nghĩ đó kéo chị vào vùng đêm tối của cuộc đời. Khi chị ngẩng mặt nhìn lên, trời đã sáng.
Chị nhập viện điều trị tại bệnh viện K Trung ương trong tình trạng u vú đã bị sùi loét thâm nhiễm thành ngực đến mức không mổ được, phải điều trị hóa chất tiền phẫu co nhỏ khối u dọn đường cho phẫu thuật.
Gặp bác sĩ Phạm Thị Việt Hương (Phó Trưởng Khoa Nội Nhi, Bệnh viện K TƯ) tại khoa Nhi, chị bùi ngùi:
- Em không chữa đâu…
- Dù chị biết em đã bị ung thư dạ dày nhưng khi nhìn em, chị thấy em vẫn còn khoẻ mạnh, còn hy vọng. Chẳng nhẽ em bằng lòng ra về và chờ cái chết đến vào ngày mai?
Rồi bác sĩ Việt Hương lấy dẫn chứng một vài người bệnh, dù bị ung thư cổ tử cung nhưng vẫn có thể sống khoẻ mạnh bao nhiêu năm.
Từ ám ảnh của người bệnh đầu tiên nhìn thấy tại khoa, cùng những lời động viên của bác sĩ Việt Hương, chị có thêm động lực, quyết tâm nhập viện, điều trị. Tuy nhập viện nhưng chị vẫn giằng co với chính mình: Làm thế nào để có tiền?
May mắn, chị tìm được một công việc rửa bát thuê cho một cửa hàng ăn trước cửa bệnh viện K2 để trang trải khoản viện phí. Cứ sáng sớm chị đi rửa bát sau đó vào viện truyền hóa chất. Với suy nghĩ, “Dù mình có sống thêm được bao lâu đi chăng nữa nhưng mình cũng đã giảm được gánh nặng cho gia đình”, chị vừa làm vừa điều trị.
Sau một đợt truyền hoá chất, đúng vào dịp Tết 2006, chị chào tạm biệt bác sĩ Việt Hương về quê ăn Tết, bác sĩ Hương căn dặn, “Đầu xuân năm mới em xuống xông đất cho khoa nhé! Nhìn em phúc hậu thế này, xông đất cho khoa để ai cũng khoẻ mạnh, nhanh nhẹn như em”. Nhưng ăn Tết xong, chị đã không trở lại viện.
Ra Tết, bác sĩ Việt Hương liên hệ chị tới viện tiếp tục điều trị. Chị khất lần mãi và hiểu được trách nhiệm của một người vợ với chồng, chị tới Bệnh viện K nhưng không phải để tiếp tục điều trị mà là để xin ra viện. Chị đã không đưa ra lý do giải thích cho hành động của mình với bác sĩ Việt Hương - người trực tiếp điều trị cho chị.
Về nhà giữa các đợt điều trị, chị nhận thấy thấy thái độ của chồng khác đi. Chị chỉ nghĩ, chắc do chị bị bệnh nên chồng nảy sinh tư tưởng chán nản.
Suy nghĩ, “Đằng nào mình cũng chết, không đi chữa bệnh nữa để đỡ tốn kém” lại một lần nữa xuất hiện, “mặc cả” với chính chị. Nhưng cảm nhận được tình yêu của chồng dành cho mình, “Lấy em rồi thì trong thâm tâm anh chẳng bao giờ nghĩ tới người con gái nào khác”, chị chắt chiu niềm tin.
Lẳng lặng đi theo chồng, chị thấy chồng cứ vạ vật ở bóng cây, bãi đất ở quả đồi sau nhà. Thấy chồng mệt nằm như vậy, chị vừa giận lại vừa thương.
Chị tiến lại, lân la nói câu chuyện vui rồi cùng ôm nhau đứng dậy đi về. Chị để ý tới chồng hơn, có những lúc chồng ngồi xuống nhưng lại không đứng được lên. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán chồng chị bị viêm gan cấp tính.
Chị quyết định tập trung chữa cho chồng và nuôi hy vọng mong manh cho mình, tìm thầy thuốc nam rẻ tiền để chữa với hy vọng may mắn mỉm cười để mình có thể đồng hành với chồng chữa trị bệnh tật.
“Lúc đấy tôi nghĩ rằng trước sau gì mình cũng chết, nhưng tôi hy vọng chồng sẽ khỏi bệnh. Đứng giữa 2 sự lựa chọn, tôi không sợ chết. Tôi sẵn sàng chết để anh được sống”, chị Hiển chia sẻ.
Gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai của chị. Hằng ngày, sáng chị ra quán cơm làm việc cật lật, chiều chị mua thức ăn nấu nhờ tại quán cơm, tối đem vào viện để hai vợ chồng cùng ăn. Dù ban ngày đi làm có đau ê ẩm như thế nào nhưng cứ hễ nhìn thấy chồng từ xa là chị lại cười toe toét. Chị chăm chồng đến mức không nghĩ mình cũng đang là bệnh nhân.
Trong suốt thời gian chữa bệnh cho mình thì không khóc nhưng khi đồng hành với chồng thì khóc rất nhiều. Điều khiến chị đau xót nhất chính là không thể ở bên mỗi khi chồng cần chị.
“Đáng nhẽ, nếu anh ốm thì em phải là người kề cận, bác sĩ chỉ cần gọi là em có mặt hoặc anh cần điều gì thì em đáp ứng được ngay nhưng em cứ phải đi làm kiếm tiền, điều kiện không cho phép em ở cạnh anh”, chị không kìm được nước mắt.
Hơn 1 năm dòng dã, chị tự hiểu bệnh của mình không thể khỏi được và bác sĩ cũng đã nói chồng như vậy. Đem tâm tư này thổ lộ với chồng, hai vợ chồng chị bàn nhau xây nhà cho đứa con nhỏ để nếu hai anh chị nằm xuống thì con trai chị còn có chỗ ra đóng vào mở, “Nếu hai vợ chồng mình cứ tiếp nối cuộc hành trình này thì khi cả hai chết đi, sẽ không còn để lại cho con được điều gì”.
Nhưng cuối cùng, chồng chị đã không qua khỏi. Sau khi chồng chị nằm xuống, kinh tế gia đình kiệt quệ, chị không dám quay lại bệnh viện vì không còn tiền chữa bệnh.
Cơ thể ngày càng mệt khiến chị nghĩ cái chết đang đến rất gần với mình. Chị đưa cậu con trai đi mua bộ quần áo mới, chuẩn bị tâm thế lìa xa cõi đời.
“Tuổi thơ ngóng mẹ
Chợ ơi mau tan
Tuổi thơ mong ngóng trường tan để về
Tuổi thơ cánh diều thấp thoải triền đê
Tuổi thơ ong bướm đi về chiêm bao”
Chị nhỡ mãi bài thơ cậu con trai chị đọc sau đám tang của bố năm 2009. Những suy nghĩ mà cậu trai của chị viết qua mấy câu thơ đã ngay lập tức “đánh” vào trái tim người mẹ đang rỉ máu.
Những lần chị về nhà giữa các đợt truyền hoá chất, cứ về đến đầu đường là chị đã nhìn thấy con đứng từ xa chạy lại, “Mẹ cố gắng lên. Mẹ mau khỏi bệnh, sống khoẻ mạnh để còn nuôi con”. Chị lại càng thương đứa con của mình.
Thương con thiệt thòi, khát khao sống trỗi dậy mãnh liệt trong chị. Chị đã tìm đến thuốc Nam với hy vọng gặp thầy gặp thuốc sẽ khỏi bệnh. Trong đầu chị luôn lạc quan, “Tôi không nghĩ tới ngày nào mình sẽ chết. Sống với khoảnh khắc hiện tại, tôi chỉ mong có thêm một ngày mai để sống với con”.
Nghe ở đâu đó, chị đã dùng gai bưởi đào bỏ khối u bằng cách tự cầm gai bưởi để tìm cách loại bỏ khối u ra khỏi ngực. Cách chữa bệnh sai lầm này đã khiến chị rơi vào cảnh thập tử nhất sinh. Các bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới đều lắc đầu khuyên gia đình nên đưa chị về nhà lo hậu sự. “Còn nước còn tát”, gia đình đưa chị tới Bệnh viện K Trung ương.
Chị nhập viện K Trung ương trong tình trạng khối u hoại tử nghiêm trọng, mất máu, không tìm được ven để truyền nước, tim chỉ còn đập thoi thóp. Các bác sĩ ở đây ai cũng ngạc nhiên trước sức sống mãnh liệt của chị.
Chị mong từng ngày một, để sống, để nắm tay con, dắt con đi trên đoạn đường đời rất dài. Khi còn nằm viện trong tình trạng nguy kịch, chị chỉ mong có thêm một ngày để sống có ý nghĩa chứ chị chưa bao giờ nghĩ chị lại có nhiều ngày như thế, từ khi ra viện năm 2011.
Sau cuộc phẫu thuật cắt ngực trái, 6 đợt truyền hoá chất và 25 mũi tia xạ, sức khoẻ của chị đã dần tốt lên. “Đến giờ phút này nhìn lại, tôi nghĩ một phần làm nên chiến thắng căn bệnh ung thư của tôi là tuân thủ phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra”, chị chia sẻ.
Nhưng trên hết, trong suốt quá trình chữa bệnh, chị giữ được khát khao sống mãnh liệt, "Tôi mong muốn được sống thêm dù chỉ một ngày.
Sống thêm được một ngày thì lo cho con được một ngày, sống thêm được một tuần thì lo cho con được một tuần, sống thêm được 1 tháng thì lo cho con được 1 tháng. Nếu tôi chết đi, tôi sợ con mình không biết nương tựa vào đâu".