Người cao tuổi dễ bị nặng và tử vong khi mắc COVID-19, làm thế nào để phòng bệnh?

Hiện Việt Nam đã ghi nhận 21 trường hợp nhiễm COVID-19 tử vong, hầu hết đều là những người cao tuổi và có sẵn nhiều bệnh lý nền. Vậy người cao tuổi cần làm gì để phòng bệnh hiệu quả?

Nguy cơ mắc bệnh nặng tăng theo tuổi

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong số những người trưởng thành, nguy cơ mắc COVID-19 nặng tăng theo độ tuổi, với người lớn tuổi thì có nguy cơ mắc cao nhất. Người mắc COVID-19 nặng có thể phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt hoặc thở máy, thậm chí tử vong.

Đặc biệt, càng lớn tuổi nguy cơ mắc COVID-19 nặng tăng lên. Ví như những người ở độ tuổi 50 có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn những người ở độ tuổi 40.

Tương tự, những người ở độ tuổi 60 hoặc 70 thì nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn những người ở độ tuổi 50. Nguy mắc COVID-19 nặng cao nhất là ở những người từ 85 tuổi trở lên.

Người cao tuổi dễ bị nặng và tử vong khi mắc COVID-19. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó còn có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 nặng chẳng hạn như có các bệnh lý nền đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh phổi, ung thư...

COVID-19 lúc này giống như “giọt nước tràn ly” làm cho tình trạng sức khỏe của người cao tuổi có sẵn bệnh lý nền càng thêm trầm trọng.

Biện pháp để giảm nguy cơ mắc COVID-19

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để giảm nguy cơ mắc bệnh, tất cả mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi có nguy cơ mắc COVID-19 nặng cần thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-9 theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.

Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trong mùa dịch và giúp giảm sự lây lan của COVID-19 là: 

- Hạn chế việc gặp gỡ/tương tác trực tiếp với người khác. 

- Thực hiện các biện pháp phòng bệnh COVID-19 khi gặp gỡ trực tiếp với người khác như: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay sát khuẩn… Nếu có thể, hãy tránh xa những người không đeo khẩu trang hoặc yêu cầu họ đeo khẩu trang.

- Tập luyện thể dục thường xuyên, tập vừa sức để tăng cường sức khỏe.

- Dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước (1,5 - 2 lít nước mỗi ngày) giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp người cao tuổi không nên ra khỏi nhà, nên gọi sự trợ giúp của y tế khi có vấn đề về sức khỏe. Ảnh minh họa

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng đưa ra hướng dẫn, với những người lớn tuổi nên hạn chế ra khỏi nhà. Nếu cần mua nhu yếu phẩm có thể sử dụng các dịch vụ như giao hàng tại nhà, hỗ trợ tâm lý xã hội.

Lên danh sách các đồ dùng thiết yếu sẽ cần ít nhất hai tuần như các mặt hàng thực phẩm dễ bảo quản, các sản phẩm gia dụng, pin cho các thiết bị hỗ trợ và thuốc theo toa để mua sẵn hoặc nhờ người chuẩn bị.

Lập danh sách các số điện thoại khẩn cấp (Ví dụ: số điện thoại trợ giúp tại địa phương về COVID-19, đường dây nóng hỗ trợ tâm lý xã hội). Chia sẻ với nhân viên y tế qua điện thoại hoặc trò chuyện video thay vì trực tiếp về nhu cầu sức khỏe của bản thân.

Nếu bạn có bệnh lý nền trước đó, người cao tuổi nên tiếp tục với việc điều trị của mình. Có thể sử dụng dịch vụ khám bệnh online thay vì đến bệnh viện trong mùa dịch hoặc liên hệ với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn cụ thể.

Đừng trì hoãn việc chăm sóc khẩn cấp cho tình trạng bệnh lý nền vì dịch bệnh COVID-19. Hãy gọi cho cơ sở y tế nếu có bất kỳ lo ngại nào về các tình trạng bệnh lý nền của mình hoặc nếu nghĩ rằng mình có thể mắc COVID-19. 

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan