Tỷ lệ tử vong của người mắc bệnh động mạch vành tim có tỷ lệ thuận với việc tiêu thụ đường hay không?
Theo PGS.TS.Trần Đình Toán, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, bữa ăn của chúng ta thường lấy gạo làm thực phẩm chính, có lượng đường tương đối nhiều.
Trong thức ăn của người bình thường cũng có đủ hàm lượng đường, thậm chí cao hơn so với nhu cầu của cơ thể rồi, vậy nên, nếu ăn thêm đường hay chất ngọt khác như bánh, kẹo, sôcôla thì lượng đường vào cơ thể sẽ tăng nhiều so với nhu cầu.
Lượng đường quá nhiều không được sử dụng làm năng lượng kịp thời sẽ tích lại thành mỡ, tồn đọng lại trong cơ thể, lâu dần sẽ làm tăng thể trọng, huyết áp tăng cao, gây gánh nặng cho tim và phổi.
Từ cách đây 50 năm các chuyên gia Thụy Sĩ đã nghiên cứu mối quan hệ giữa bệnh tim mạch với việc ăn nhiều đường và chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong của người mắc bệnh động mạch vành tim tỷ lệ thuận với việc tiêu thụ đường.
Các nhà khoa học Nhật bản cũng có kết luận tương tự. Do vậy, người bệnh động mạch vành không nên ăn nhiều đường.
Ngoài ra, người mắc bệnh động mạch vành nên hạn chế ăn các loại thịt có màu đỏ như thịt trâu, thịt bò, thay vào đó nên ăn các loại thịt có màu trắng như thịt gia cầm, gà, ngan, cá…
Cần tăng cường ăn các loại rau củ như: Rau muống, rau dền, mồng tơi, củ cải trắng… Không nên sử dụng các loại hoa quả sấy khô, hoa quả đã chế biến.
Người bệnh động mạch vành nên kiêng các món như: Mỡ động vật, óc, tủy, lòng đỏ trứng, các loại thịt đỏ... Đồng thời, cũng phải kiêng những đồ uống chứa chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê... vì những thức uống này gây hưng phấn đại não, ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh động mạch vành.