Qua khảo sát, thân nhân bệnh nhân ung thư cho biết: 87,3% số người được hỏi muốn biết bệnh có khỏi được hay không; 87,3% cần được tư vấn về những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân điều trị ngoại trú.
TÓM TẮT
1. Mục tiêu: Xác định nhu cầu tư vấn của thân nhân bệnh nhân bị bệnh lý ung thư nằm điều trị tại bệnh viện Quân y 103. Từ đó đề xuất những nội dung mà nhân viên y tế cần tư vấn cho thân nhân bệnh nhân bị bệnh lý ung thư.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:
- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang có so sánh và phân tích
- Đối tượng: 110 thân nhân bệnh nhân bị mắc bệnh lý ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 103. Thời gian phỏng vấn từ tháng 11 năm 2013 đến tháng 5 năm 2014. Đối tượng nghiên cứu được phỏng vấn theo mẫu phiếu điều tra.
3. Kết quả: 87,3% số người được hỏi muốn biết bệnh có khỏi được hay không; 87,3% cần được tư vấn về những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân điều trị ngoại trú; 83,6% quan tâm tới phương pháp điều trị; 83,6% cần tư vấn về cách chăm sóc bệnh nhân trong quá trình điều trị tại bệnh viện; số người cần tư vấn về chi phí điều trị chiếm 77,3%; đối tượng cần phòng tư vấn riêng (70,9%); cần tư vấn về chuyên môn (84,5%); thời điểm tư vấn thích hợp là khi vào khoa đã có chẩn đoán xác định (92,7%) và trước khi ra viện (86,4%); đa số cần được tư vấn trực tiếp với bác sĩ điều trị (82,7%); thời gian tư vấn tùy theo nhu cầu của thân nhân bệnh nhân (84,5%); các tư vấn là miễn phí (76,8%).
4. Kết luận:
Những vấn đề có nhu cầu tư vấn cao: muốn biết bệnh có khỏi được hay không; những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân điều trị ngoại trú; phương pháp điều trị; cách chăm sóc bệnh nhân trong quá trình điều trị tại bệnh viện; chi phí điều trị.
Một số yêu cầu về tư vấn điều trị: phòng tư vấn riêng; tư vấn về chuyên môn; thời điểm tư vấn thích hợp; cần được tư vấn trực tiếp với bác sĩ điều trị; thời gian tư vấn; các tư vấn là miễn phí.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Các nghiên cứu về giao tiếp giữa bệnh nhân và thân nhân với nhân viên y tế trong chẩn đoán và tiên lượng bệnh ung thư ở các nước đang phát triển vẫn còn một số hạn chế trong đó có Việt Nam, tại đây nhu cầu của bệnh nhân và thân nhân về cung cấp thông tin vẫn chưa được đáp ứng một cách đầy đủ và kịp thời [1],[11].
Công tác tư vấn cho những thân nhân bệnh nhân đã có chẩn đoán xác định, đang điều trị ung thư còn có lúc có nơi chưa thật sự hiệu quả, chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu đặt ra [9].
Mặt khác, từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình điều trị bệnh ung thư, dù có nhu cầu được tư vấn nhưng vì những lý do khác nhau mà họ không thường xuyên chủ động đưa ra những câu hỏi, bày tỏ những thắc mắc để xin được giải đáp [6].
Vì vậy, nhân viên y tế cần tìm hiểu, nắm được những vấn đề này, từ đó điều chỉnh và cải thiện chất lượng tư vấn, đồng thời chủ động đưa ra những tư vấn cần thiết [10].
Ở Việt Nam, đã có một số nghiên cứu đánh giá kiến thức, thái độ, hành vi về phòng chống ung thư [1], [4]… Một số nghiên cứu về thái độ, nhận thức, quan điểm của bệnh nhân mắc bệnh ung thư về 1 vài vấn đề như: việc cung cấp thông tin cho bệnh nhân ung thư, vấn đề thông báo tin xấu,…[6], [7].
Tuy nhiên, những nghiên cứu này cũng chỉ nghiên cứu ở những khía cạnh nhất định và ở những địa điểm cụ thể mà chưa có nghiên cứu nào về những vấn đề cần tư vấn của bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân mắc bệnh lý ung thư tại Bệnh viện Quân y 103.
Chính vì vậy chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu nhu cầu tư vấn của thân nhân bệnh nhân bị bệnh lý ung thư”.
Mục tiêu: Xác định nhu cầu tư vấn của thân nhân bệnh nhân bị bệnh lý ung thư nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y 103. Đề xuất một số nội dung mà nhân viên y tế cần tư vấn cho thân nhân bệnh nhân bị bệnh lý ung thư.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
- Đối tượng: 110 thân nhân bệnh nhân bị mắc bệnh lý ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 103.
- Tiêu chuẩn chọn: biết đọc, biết viết; có đủ sức khỏe tham gia phỏng vấn; đồng ý tham gia trả lời phỏng vấn; không bị khuyết tật như điếc, mù, câm… hoặc các bệnh rối loạn tâm thần kinh như động kinh, trầm cảm…; có trách nhiệm pháp lý.
- Không chọn những người không có đủ các tiêu chuẩn lựa chọn; bệnh nặng, không đủ sức khỏe tham gia phỏng vấn; từ chối tham gia phỏng vấn.
2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu
- Thân nhân bệnh nhân bị mắc bệnh ung thư (đi chăm sóc bệnh nhân) tại các khoa điều trị trong Bệnh viện Quân Y 103.
- Thời gian phỏng vấn từ tháng 11 năm 2013 đến tháng 5 năm 2014.
2.3. Phương pháp nghiên cứu
- Nghiên cứu mô tả cắt ngang có so sánh và phân tích.
- Chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản: thân nhân bệnh nhân bị mắc bệnh ung thư (đi chăm sóc bệnh nhân) đang điều trị tại các khoa lâm sàng Bệnh viện Quân y 103 nằm trong tiêu chuẩn lựa chọn và không nằm trong tiêu chuẩn loại trừ được tư vấn, phát phiếu phỏng vấn, thân nhân bệnh nhân được hướng dẫn và trả lời các câu hỏi trong phiếu phỏng vấn, sau đó phiếu phỏng vấn được thu lại.
- Số liệu được xử lý bằng phần mềm thống kê y học EPI INFO 6.04, testχ2.
- Các chỉ tiêu nghiên cứu:
+ Đặc điểm đối tượng nghiên cứu: giới tính, địa dư sống, tuổi, hoàn cảnh kinh tế, trình độ văn hóa, nghề nghiệp.
+ Các nhu cầu tư vấn của thân nhân bệnh nhân:
. Tư vấn về khả năng điều trị: bệnh khỏi được hay không, phương thức điều trị, thời gian sống thêm, chi phí và thời gian điều trị.
. Tư vấn về khả năng lây truyền, di truyền bệnh ung thư.
. Tư vấn về cơ sở điều trị chuyên khoa hiện nay tại Việt Nam.
. Dự phòng ung thư.
. Kinh phí cho tư vấn.
- Đối tượng tự nguyện tham gia và có quyền từ chối tham gia nếu trong quá trình nghiên cứu cảm thấy không phù hợp. Mọi thông tin cá nhân được giữ kín.
KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
3.1. Đặc điểm đối tượng nghiên cứu
- Tỷ lệ nữ (60%) cao hơn nam (40%). Theo chúng tôi nữ giới là đối tượng phù hợp hơn nam giới cho công việc chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện.
- Độ tuổi từ 20-29 tuổi và 40-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (lần lượt là 22,7% và 25,5%). Điều này được lý giải đây là độ tuổi lao động có sức khoẻ và chăm sóc bệnh nhân nằm viện tốt.
- Trình độ PTTH và THCS chiếm tỷ lệ cao nhất (62,7%); ĐH và sau ĐH chiếm tỷ lệ 27,3%. Đây là một thực tế phù hợp với hoàn cảnh sống ở nước ta, sự phân hoá lao động trong xã hội, do vậy những người có trình độ PTTH và THCS có thời gian nhiều hơn để chăm sóc bệnh nhân.
- Theo địa dư sống: thân nhân bệnh nhân sống ở nông thôn chiếm tỷ lệ cao hơn (67,3%) so với thành phố (32,7%). Theo chúng tôi điều này là hợp lý bởi địa điểm nghiên cứu của chúng tôi là Bệnh viện Quân y 103, nằm ở quân ngoại thành do vậy ngoài đối tượng là quân nhân còn có nhân dân ở quanh vùng là sống ở nông thôn.
- Hoàn cảnh kinh tế: thân nhân bệnh nhân chủ yếu có hoàn cảnh kinh tế trung bình và nghèo (96,4%), trong đó nhóm kinh tế trung bình (76,4%). Hoàn cảnh kinh tế trên trung bình chiếm tỷ lệ thấp (3,6%). Các ghi nhận ung thư năm 2013 [5] cho thấy hoàn cảnh kinh tế của người được phỏng vấn: nghèo chiếm 23,7%, không nghèo chiếm 76,3%, kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu trên. Hoàn cảnh kinh tế của thân nhân bệnh nhân nhìn chung còn nhiều khó khăn, hiện nay có nhiều thuốc ung thư mới ra đời, nhưng giá thành còn cao. Đây là một vấn đề khó khăn cho công tác điều trị ung thư.
- Nghề nghiệp làm ruộng chiếm tỉ lệ cao nhất (32,7%); công nhân thấp nhất (19,1%). Trên thực tế nước ta cơ bản là nước nông nghiệp nên số người làm ruộng và công nhân chiếm tỷ lệ tương đối cao so với các ngành nghề khác.
3.2. Kết quả thu được theo từng nhóm nhu cầu
- Tư vấn về khả năng điều trị:
+ Với câu hỏi “bệnh có khỏi được hay không”, nhu cầu tư vấn chiếm tỷ lệ cao: 87,3%. Theo Nguyễn Văn Xáng và cs (2013) [8], số người được phỏng vấn không biết ung thư có thể chữa khỏi được hay không chiếm tỷ lệ 21,5%, thấp hơn so với tỷ lệ người có nhu cầu tư vấn trong nghiên cứu của chúng tôi.
Theo chúng tôi đây là có thể là một nhu cầu mang tính chất giải toả tâm lý, thân nhân muốn khảng định lại vấn đề, mặt khác do trình độ học vấn của đối tượng nghiên cứu còn chưa cao (PTCS và PTTH chiếm 30,9%) nên nhận thức chưa đúng về vấn đề này.
+ Về phương pháp điều trị: Đối tương nghiên cứu thường xuyên đặt câu hỏi về phương pháp điều trị (83,6%). So với nghiên cứu của Đinh Trần Phương, Mai Trọng Khoa (2013) [6], tỷ lệ người nhà biết phương pháp điều trị là 86,3%, cũng có kết quả tương đương với nghiên cứu của chúng tôi.
Nguyên nhân có thể do họ muốn tìm hiểu sâu hơn về bệnh tật của người nhà và cũng đòi hỏi cao hơn đối với người làm công tác tư vấn.
+ Về chi phí điều trị: 77,6% đối tượng nghiên cứu cần tư vấn, nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn của Đinh Trần Phương và Mai Trọng Khoa (2013) [6] (tỷ lệ quan tâm là 97,5%), có thể do thân nhân bệnh nhân là người chăm sóc trực tiếp và thanh toán cho bệnh nhân vì vậy họ quan tâm đến chi phí điều trị nhưng thấp hơn nghiên cứu trên có thể do đối tượng điều trị chúng tôi lựa chọn chủ yếu là BHYT và được BHYT chi trả phần lớn.
Mặt khác đối tượng nghiên cứu chủ yếu có hoàn cảnh kinh tế nghèo và trung bình (chiếm 96,4%), trong đó chủ yếu là kinh tế trung bình (76,4%), nếu được tư vấn trước và trong một đợt điều trị, thân nhân sẽ có sự chuẩn bị tốt về mặt tâm lý và tài chính tránh trường hợp bị động lúng túng khi thanh toán trước khi ra viện.
- Sự lây truyền của bệnh ung thư: ung thư có lây truyền được hay không (66,4%). Theo Nguyễn Văn Xáng và cs (2013) [8]: có 59,2 % cho rằng ung thư không thể lây từ người này sang người khác, chỉ có 19% số người không biết ung thư có lây hay không lây. Số liệu của chúng không tương đồng với kết quả này.
Vì có một tỷ lệ nhất định số người đã tìm hiểu về tính lây truyền của ung thư, nhưng vẫn muốn được tư vấn thêm, hoặc cũng có thể những thông tin tuyên truyền về ung thư trên các phương tiện truyền thông đã đến được với người dân, phần nào nâng cao nhận thức của họ. Mặt khác, trong số những người không cần tư vấn, cần phải tính đến tỷ lệ nhận thức sai về tính lây của ung thư.
- Tư vấn về khả năng di truyền: có tỷ lệ khá cao quan tâm tới bệnh ung thư có di truyền được hay không (71,8%). Chứng tỏ còn một tỷ lệ khá cao bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân không biết ung thư có di truyền được hay không.
Điều này có thể do chúng tôi nghiên cứu trên nhiều mặt bệnh ung thư, ngoài ra còn do ảnh hưởng của các yếu tố trình độ học vấn, hoàn cảnh kinh tế, địa dư sống, sự hiểu biết về kiến thức ung thư ở những người có học vấn thấp, sống ở nông thôn, khó khăn về kinh tế nhìn chung còn thấp [2], [3].
- Theo nghiên cứu của chúng tôi cho thấy có tỷ lệ khá cao quan tâm tới các cơ sở điều trị chuyên khoa hiện nay tại Việt Nam (55,5%). Họ luôn muốn được điều trị ở nơi có khả năng điều trị tốt và chất lượng cao. Cần đưa ra những tư vấn cần thiết cho những người có nhu cầu.
- Nhóm thân nhân bệnh nhân có tỷ lệ khá cao quan tâm tới vấn đề có dự phòng bệnh ung thư được hay không (43,6%). Điều đó chứng tỏ họ không biết bệnh ung thư có dự phòng được không và cách để dự phòng càng là một vấn đề họ rất muốn biết.
3.3. Mối liên quan giữa các kết quả thu được với đối tượng nghiên cứu
- Đa số thân nhân có nhu cầu về phòng tư vấn riêng với tỷ lệ là 70,9% và cũng rất quan tâm tới tư vấn về chuyên môn (84,5%).
- Hầu hết thân nhân bệnh nhân cho rằng: khi đã có chẩn đoán xác định thì đó là thời điểm thích hợp để tư vấn về bệnh (92,7%). Thời điểm quan tâm thứ hai để tư vấn là trước khi bệnh nhân ra viện (86,4%). Rất ít cho rằng thời điểm bệnh nhân vào phòng khám là thích hợp cho việc tư vấn (7,3%).
- Đối tượng nghiên cứu mong muốn tư vấn theo nhu cầu (84,5%), tỷ lệ muốn được tư vấn miễn phí (76,4%), chỉ có 23,6% thân nhân bệnh nhân cho rằng cần trả phí cho việc tư vấn.
- Trình độ ĐH và sau ĐH, nhu cầu tư vấn có chi phí chiếm tỷ lệ cao (70,0%). Nhu cầu tư vấn miễn phí ở nhóm có trình độ PTCS và THCS, PTTH chiếm tỷ lệ cao (90,9%; 91,3%; 95,7%).
- Thân nhân bệnh nhân muốn được tư vấn trực tiếp với bác sĩ điều trị chiếm tỷ lệ cao nhất (82,7%).
- Ở trình độ PTTH và THCS có nhu cầu tư vấn trực tiếp với bác sĩ điều trị chiếm tỷ lệ cao nhất (44% và 25,3%). Hình thức tư vấn đối với những người có trình độ ĐH và sau ĐH khá đa dạng và tương đối đồng đều ở các hình thức.
KẾT LUẬN
1. Các nhóm nhu cầu
Những vấn đề có nhu cầu tư vấn cao: 87,3% số người được hỏi muốn biết bệnh có khỏi được hay không; 87,3% cần được tư vấn về những lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân điều trị ngoại trú; 83,6% quan tâm tới phương pháp điều trị; 83,6% cần tư vấn về cách chăm sóc bệnh nhân trong quá trình điều trị tại bệnh viện; số người cần tư vấn về chi phí điều trị chiếm 77,3%.
2. Yêu cầu về công tác tư vấn
Đối tượng cần phòng tư vấn riêng (70,9%); cần tư vấn về chuyên môn (84,5%). Thời điểm tư vấn thích hợp là khi vào khoa đã có chẩn đoán xác định (92,7%) và trước khi ra viện (86,4%). Đa số cần được tư vấn trực tiếp với bác sĩ điều trị (82,7%). Thời gian tư vấn tùy theo nhu cầu của thân nhân bệnh nhân (84,5%). Các tư vấn là miễn phí (76,8%).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Bùi Diệu, Nguyễn Bá Đức, Nguyễn Hoài Nga và cs (2010), “Khảo sát kiến thức, thực hành về phòng một số bệnh ung thư phổ biến của cộng đồng dân cư tại 1 số tỉnh thành”, Tạp chí Ung thư học Việt Nam, 1, tr.118-128. | |
| 2.Bùi Diệu, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Thị Hoài Nga và cs (2010), “Kết quả sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung tại một số tỉnh thành giai đoạn 2008-2010”, Tạp chí ung thư học Việt Nam, 1, tr.152-155. |
| 3.Bùi Diệu, Ngô Văn Toàn, Nguyễn Ngọc Hùng và cs (2012), “Đánh giá kết quả hoạt động truyền thông phòng chống ung thư thuộc dự án phòng chống ung thư quốc gia, giai đoạn 2008-2010, Tạp chí ung thư học Việt Nam, 1, tr.99-102. |
| 4.Từ Quốc Hiệu, Trương Quang Vinh, Nguyễn Thị Thu Phương (2013), “Đánh giá kiến thức, thái độ, hành vi về phòng chống ung thư người dân tỉnh Bắc Giang 2012”, Tạp chí ung thư học Việt Nam, 1, tr.65-71. |
| 5.Nhóm nghiên cứu (2013),“Đánh giá nhu cầu truyền thông phòng chống ung thư cho cộng đồng tại Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí ung thư học Việt Nam, 1, tr.88-94. |
| 6.Đinh Trần Phương, Mai Trọng Khoa (2013), “Nghiên cứu kiến thức, thái độ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về việc cung cấp thông tin cho bệnh nhân ung thư”, Tạp chí ung thư học Việt Nam, 1, tr.412-418. |
| 7.Cam Ngọc Thúy và cs (2010), “Quan điểm của bệnh nhân và thân nhân trong việc cung cấp các thông tin cho bệnh nhân ung thư”, Phụ san ung bướu học 4, tr.781-788. |
| 8.Nguyễn Văn Xáng và cs (2013), “Điều tra kiến thức, thái độ và thực hành phòng chống bệnh ung thư trong cộng đồng dân cư tỉnh Khánh Hòa năm 2012”, Tạp chí Ung thư học Việt Nam, 1, tr.72-79. |
| 9.Barclay J.S., Blackhall I.J., Tulsky J.A. (2007), “Communication strategies and cultural issues in the delivery of bad news”, J Palliat Med, 10(4), pp.958-977. |
| 10.Thomas J. S., et al. (2010), “Giving honest information to patients with advanced cancer maintains hope”, Oncology, Vol 4, N06. |
| 11.WHO (2005). Preventing chronic diseases: a vital investment. Geneva, World Health Organization. |
TS. Nghiêm Thị Minh Châu
TS. Nguyễn Văn Bằng
Bộ môn-khoa Máu, Độc xạ và bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Quân y 103)