Anh sáng xanh từ điện thoại, máy tính, TV, ipad... có thể xâm nhập sâu nhất vào mắt, khiến đồng tử giãn nở, sau đó xâm nhập vào võng mạc, khiến cho võng mạc sản sinh ra những chất độc có thể làm hư hại các tế bào.
Smartphone có nhiều ứng dụng hấp dẫn đến mức nhiều người thường xuyên mang theo chúng vào tận giường ngủ. Nhiều người còn sử dụng điện thoại như... đèn pin hoặc đồng hồ, để ngay cạnh giường ngủ để xem cho tiện.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Đại học Toledo (Ohio, Hoa Kỳ) mới đây đã chỉ ra những tác hại nghiêm trọng của ánh sáng xanh phát ra từ điện thoại di động.
Những tác hại này còn tăng gấp bội khi chúng ta sử dụng điện thoại trong bóng tối.
So với các loại ánh sáng khác (như ánh sáng xanh lá, đỏ, vàng, tím) thì ánh sáng xanh có thể xâm nhập sâu nhất vào mắt. Loại ánh sáng này khiến đồng tử giãn nở, sau đó xâm nhập vào võng mạc, khiến cho võng mạc sản sinh ra những chất độc có thể làm hư hại các tế bào.
“Mắt người phản chiếu ánh sáng tia cực tím (như từ mặt trời) rất tốt nhưng nó cho phép ánh sáng màu xanh đi vào và võng mạc có thể hấp thụ ánh sáng xanh”, theo tiến sĩ Ajith Karunarathne, trợ lý giáo sư tại khoa Hóa sinh Đại học Công nghệ (Hoa Kỳ).
Ngoài điện thoại, ánh sáng màu xanh còn phát ra từ màn hình các thiết bị điện tử khác như máy tính, TV, ipad...
Tuy nhiên điện thoại có vẻ là đồ vật được người dùng ưu ái nhất trong số trên, thường xuyên được mang vào tận giường ngủ.
Tiến sĩ Ajith Karunarathne nhấn mạnh: “Nhìn vào điện thoại di động trong bóng tối có thể rất có hại bởi vì đồng tử bị giãn nở nhiều, do đó ánh sáng xanh thâm nhập vào mắt nhiều hơn, từ đó gây nguy hại cho mắt”.
Đặc biệt, khi tuổi càng cao, khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công của ánh sáng xanh vào võng mạc càng trở nên yếu hơn, dẫn đến người dùng điện thoại càng dễ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng (bệnh AMD), một căn bệnh có thể dẫn đến mù lòa.