Lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu/tháng sẽ kéo theo các khoản phụ cấp, khoản đóng BHYT của học sinh, sinh viên, tiền lương hưu... đều tăng theo.
Mới đây, Chính phủ đã đề xuất tăng lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng và đang chờ Quốc hội thông qua.
Nếu Quốc hội thông qua tăng lương cơ sở lên mức 1,6 triệu đồng thì sẽ kéo theo một số khoản khác tác động tăng theo.
Theo Điều 7 của Nghị định 46 năm 2018 của Chính phủ, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; trẻ em dưới 06 tuổi, người có công, người thuộc hộ cận nghèo đóng BHYT bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Vậy nếu lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng, mức đóng bảo hiểm y tế của các đối tượng nêu trên tăng lên 72.000 đồng/tháng (hiện đang là 67.050 đồng/tháng).
Người tham gia BHYT hộ gia đình, mức đóng cũng căn cứ vào mức lương cơ sở. Khi mức lương này tăng, mức đóng cũng sẽ tăng tương ứng.
Cụ thể: Người đầu tiên trong gia đình đóng BHYT 72.000 đồng/tháng. Cả năm 864.000 đồng (hiện đang đóng 804.600 đồng).
Người thứ hai đóng BHYT bằng 70% người đầu tiên; người thứ 3 đóng bằng 60% người thứ nhất... Cứ mỗi thành viên sau lại giảm 10% so với người thứ nhất.
Bên cạnh đó, còn có sự tăng về số tiền được BHYT chi trả. Theo quy định, người đóng BHYT từ đủ 05 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh.
Như vậy, nếu mức lương cơ sở tăng 1,6 triệu thì số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm phải lớn hơn 9,6 triệu đồng (trước đây là 8,94 triệu đồng) thì người bệnh mới được hưởng quyền lợi trên.
2. Phụ cấp công chức, viên chức
Theo Thông tư 04/2019/TT-BNV hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở cho đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, hội, thì nhiều khoản phụ cấp của công chức, viên chức tính theo mức lương cơ sở.
Cụ thể:
- Mức lương = Lương cơ sở X Hệ số lương hiện hưởng => Lương cơ sở = 1.600.000 đồng/tháng x hệ số lương hiện hưởng.
- Mức phụ cấp:
+ Các khoản phụ cấp tính theo lương cơ sở = Lương cơ sở X Hệ số phụ cấp hiện hưởng => 1.600.000 x hệ số phụ cấp.
+ Các khoản phụ cấp tính theo % mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có):
Phụ cấp = [mức lương + mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + mức phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] X Tỷ lệ % phụ cấp
+ Các khoản phụ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể thì giữ nguyên theo quy định hiện hành.
- Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có) = Lương cơ sở x Hệ số chênh lệch bảo lưu => 1.600.000 x Hệ số chênh lệch bảo lưu.
Khi lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và các khoản trợ cấp hàng tháng khác cũng sẽ tăng tương ứng từ ngày tăng lương cơ sở.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có mức tăng dự kiến đối với các khoản lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của năm 2020.
Năm 2019, khi mức lương cơ sở tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2019, lương hưu và các khoản trợ cấp nêu trên tăng 7,19% so với tháng 6/2019.
Nếu với mức lương cơ sở mới, tiền trợ cấp một lần khi sinh con = 2 x 1,6 triệu đồng = 3,2 triệu đồng (hiện nay là 2,98 triệu đồng);
Trợ cấp dưỡng sức sau sinh con = 30% x 1,6 triệu đồng = 480.000 đồng/ngày (hiện nay là 447.000 đồng).
Theo Hướng dẫn 56-HD/VPTW, mhiều mức khen thưởng đối với Đảng viên được căn cứ theo mức lương cơ sở. Khi mức lương cơ sở tăng, mức khen thưởng này cũng sẽ tăng theo, như:
- Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng = 1,6 triệu đồng x 1,5 = 2,4 triệu đồng
- Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng = 1,6 triệu đồng x 2 = 3,2 triệu đồng
- Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng = 1,6 triệu đồng x 3 = 4,8 triệu đồng