Năm 2018, thí điểm mô hình tiêm vắc-xin viêm gan B tại nhà

Theo thông tin từ Bộ Y tế, mô hình này bước đầu chỉ áp dụng thí điểm tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa với mục tiêu để tất cả trẻ sơ sinh đều có cơ hội tiếp cận vắc-xin phòng bệnh viêm gan B. Lào Cai là tỉnh đầu tiên thực hiện triển khai mô hình này.

Bộ Y tế thí điểm mô hình tiêm vacxin tại nhà tại tỉnh Lào Cai

Cụ thể, năm 2018, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ thực hiện tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh tại nhà nhằm tiếp cận nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa và sẽ được triển khai như một điểm tiêm chủng lưu động.

Tại đây sẽ có 2 người đến từng gia đình vận động tiêm chủng cho trẻ sơ sinh. Nếu hiệu quả tốt, chương trình sẽ nhân rộng.

Viêm gan B là căn bệnh khá nguy hiểm và có sự lây truyền rất dễ dàng, bất cứ ai cũng có khả năng lây bệnh. Siêu vi viêm gan B có thể len lỏi vào cơ thể người khỏe mạnh thông qua vùng da trày xước và cư trú trong gan. Người mẹ mang bệnh có thể lây truyền sang con trong quá trình sinh nở.

Theo số liệu của WHO, mỗi năm, trên Thế giới có hơn 1 triệu người chết vì các biến chứng của người nhiễm virut viêm gan B ở thể mãn tính. Riêng Việt Nam được xếp vào danh sách các nước có tỉ lệ người mắc virut này cao trên thế giới.

Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương, năm 2017, tỉ lệ trẻ tiêm vắc-xin này là 74%. Trước đó, năm 2015, tỉ lệ này chỉ dừng ở con số 55%.

Lí giải cho số % còn lại, Viện Vệ sinh dịch tễ cho rằng, nhiều phụ huynh vẫn lo ngại do một số vụ liên quan đến trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc-xin, cùng với đó, nhiều địa phương chưa tiếp cận được với dịch vụ.

Trong khi đó, thời điểm vàng tiêm phòng bệnh viêm gan B cho trẻ là trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Khi trẻ được tiêm 3 mũi vắc-xin đầy đủ theo lịch tiêm tiếp theo thì tỉ lệ miễn dịch hơn 90%, đặc biệt là giảm đáng kể tỉ lệ bệnh truyền từ mẹ sang con.

Vì vậy, để mở rộng đối tượng trẻ được tiêm vacxin phòng bệnh, việc Bộ Y tế triển khai mô hình là hoàn toàn hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều người lo ngại vấn đề chuyên môn, sai sót trong quá trình thực hiện hay như việc sốc phản vệ, biến chứng sau tiêm vắc-xin. Nhất là việc nhân lực tại các khu vực vùng núi chỉ dừng ở cán bộ y tế thôn bản.

Trước vấn đề này, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện vê sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc tiêm vắc-xin viêm gan B tại nhà cho trẻ sơ sinh sẽ không phải do y tế thôn bản thực hiện, mà có sự tham gia, hỗ trợ của trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện và bệnh viện tỉnh trong việc khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm phòng.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan