Cũng theo Bệnh viện Nhi Trung Ương, bệnh viện sẽ tiến hành hội chẩn thêm hai lần nữa để đưa ra kết luận cuối cùng.
Trước đó, ngày 15/1, bệnh nhi 8 tháng tuổi được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh trong tình trạng sốt cao liên tục, nôn, tiêu chảy, phân lỏng có nhầy.
Bệnh nhân được chẩn đoán tiêu chảy cấp có mất nước, viêm họng cấp, theo dõi tim bẩm sinh. Đến đêm, trẻ mệt, vẫn có dấu hiệu mất nước, bụng trướng, được bác sĩ chỉ định cho uống một ống kaliclorid 10%/5ml, liều mỗi lần uống nửa ống.
Tuy nhiên, chỉ 10 phút sau khi điều dưỡng thực hiện y lệnh, bố bệnh nhân gọi bác sĩ bởi bé co cứng người, môi tím, thở nhanh, tim nhanh…
Kiểm tra lại, bác sĩ phát hiện điều dưỡng đã dùng thuốc kaliclorid 10% (2,5 ml) tiêm tĩnh mạch cho bé. Ngay lập tức bệnh nhi được cấp cứu, hồi sức tích cực, xử trí thải kali, sau đó chuyển đến Bệnh viện Xanh Pôn.
Ngày 21/1 bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo Ths.Bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, Kali clorid có tác dụng bổ sung kali giúp điều chỉnh nồng độ kali máu, phòng ngừa hạ kali máu. Bệnh nhân được kê Kali clorid khi mức độ kali trong máu không đủ (hạ kali máu).
Kali có thể cho đường uống tương đối an toàn hoặc dùng đường tiêm tĩnh mạch. Tiêm Kali clorid tĩnh mạch cần áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt và các quy trình bệnh viện để điều chỉnh tỷ lệ an toàn.
Việc dùng Kali clorid đường tiêm cần rất cẩn trọng, vì nó sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ (giảm bạch cầu, tăng kali máu, viêm dạ dày...). Trong nhiều trường hợp, Kali clorid đường tiêm có thể chỉ định để uống. Nhưng Kali clorid đường uống không thể tiêm được, vì quy trình thuốc dùng để tiêm cũng rất nghiêm ngặt. Trong trường hợp thuốc chỉ định tiêm bắp nếu tiêm nhầm tĩnh mạch cũng rất nguy hiểm.
Bác sĩ Hải biết thêm, nếu tiêm nhầm Kali clorid đường uống vào cơ thể, sau vài tiếng Kali sẽ được thải ra ngoài. Nếu bệnh nhân được cấp cứu, hồi sức tích cực, qua vài tiếng đồng hồ coi như giữ được tính mạng.
Về phía gia đình, chị Trịnh Thanh Hải, mẹ bé cho biết đã mời luật sư để làm việc với cơ quan chức năng. "Trách nhiệm trong vụ việc tiêm kali con tôi thay vì uống là cả ê kíp y bác sĩ chứ không chỉ riêng điều dưỡng. Gia đình cần một lời giải thích rõ ràng", chị Hải nói.
Theo chị Hải, bé nhà chị vốn khỏe mạnh, chưa lần nào phải đi khám bác sĩ. Trong suốt thời kỳ mang thai, chị cũng khám, siêu âm, sàng lọc bệnh đầy đủ và không phát hiện gì bất thường.
Ngày 18/1, Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Đông Anh kết luận điều dưỡng đã thực hiện sai quy trình chuyên môn trong sử dụng thuốc, bệnh nhi được chỉ định dùng kali đường uống nhưng điều dưỡng lại tiêm tĩnh mạch. Điều dưỡng này đã bị đình chỉ công tác 30 ngày.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Bé gái bị điều dưỡng tiêm nhầm kali đang nguy kịch tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].